Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn tại tại Lễ gắn biển công trình “Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ” vào ngày 30/11 tại Nghệ An.

Công trình này là phân khu chức năng đầu tiên đi vào hoạt động theo Đề án xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành Lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ nói riêng của cả nước.

Việc đưa Trung tâm giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghệ An vào hoạt động sẽ tạo nên chuỗi giá trị ngành hàng liên kết hữu cơ từ công đoạn sản xuất giống cây lâm nghiệp, trồng rừng thâm canh, khai thác, chế biến sản xuất gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sàn giao dịch gỗ tầm khu vực; đồng thời sẽ sớm đáp ứng nhu cầu về cây giống lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao để phục vụ trồng rừng sản xuất quy mô lớn; các giống cây bản địa phục vụ trồng rừng gỗ lớn và các loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau.

{keywords}
Đưa công nghệ cao vào tại giống cây trồng trong ngành lâm nghiệp sẽ giúp phát triển rừng nhanh, hiệu quả, tăng tính năng chống chịu mặn của cây trồng

Cùng với đó, Trung tâm sẽ tập trung vào việc chọn tạo giống như: Ứng dụng chỉ thị phân tử, công nghệ chọn tạo giống đa bội; chuyển gen một số gen hữu ích (chống chịu sâu bệnh, gen chịu lạnh, chịu mặn…) vào các giống cây lâm nghiệp bao gồm cả cây lấy gỗ, cây đặc sản, dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Trong hoạt động nhân giống, Trung tâm sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phôi nhân tạo, công nghệ hạt nhân tạo nhằm nâng cao hiệu suất nhân giống, chất lượng cây giống; Sử dụng vỏ bầu dùng nhiều lần, vật liệu đóng bầu siêu nhẹ; Hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống khác trong vùng bằng công nghệ nuôi cấy mô để đẩy mạnh việc sản xuất cây mô phục vụ trồng rừng trong toàn vùng Bắc Trung Bộ

Tại Lễ gắn biển, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, Nghệ An có diện tích đất tự nhiên và đất có rừng lớn nhất cả nước, cùng với các tỉnh Bắc Trung Bộ là vùng nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển sản xuất lâm nghiệp, trở thành một vùng cung cấp nguyên liệu tập trung, phát triển trồng rừng gỗ lớn.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá, việc UBND tỉnh Nghệ An quyết định đầu tư xây dựng “Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ” phục vụ cho cả Vùng là phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển của toàn Ngành và yêu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần phát huy những lợi thế, thế mạnh của tỉnh Nghệ An cũng như của toàn vùng Bắc Trung Bộ, với khát vọng đưa ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế -xã hội quan trọng của vùng và quốc gia.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong ngành Lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất giống cây lâm nghiệp nói riêng là yếu tố then chốt, tạo động lực phát triển rừng nhanh và hiệu quả. Đặc biệt là việc đẩy mạnh cầu tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp nâng cao chuỗi giá trị và tính chống chịu trước điều kiện Biến đổi khí hậu thời gian tới.

Cùng với đó, Trung tâm sẽ tập trung vào việc chọn tạo giống như: Ứng dụng chỉ thị phân tử, công nghệ chọn tạo giống đa bội; chuyển gen một số gen hữu ích (chống chịu sâu bệnh, gen chịu lạnh, chịu mặn…) vào các giống cây lâm nghiệp bao gồm cả cây lấy gỗ, cây đặc sản, dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2010-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp bình quân đạt 5,86%/năm. Năm 2020, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 13 tỷ USD, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Hiện cả nước sản xuất khoảng 600 triệu cây giống Lâm nghiệp/năm, chất lượng giống ngày càng được cải thiện dần; hàng trăm giống cây được công nhận, đang được nuôi cấy tại 744 cơ sở sản xuất kinh doanh...

Trước đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng chia sẻ, mục tiêu năm 2021 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,5 tỷ USD, năm 2025 đạt 20 tỷ USD. Song, ông cho rằng, dư địa tại thị trường quốc tế không còn nhiều nên ngành hàng thế mạnh Việt Nam này cần giải quyết tốt các vướng mắc về hàng thuế quan, phi thuế quan,... giữ chắc thị phần ở những thị trường lớn.

Bên cạnh đó, cần gia tăng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Cụ thể, muốn đạt được con số xuất khẩu 20 tỷ USD, phải đảm bảo có 50 triệu m3 gỗ quy tròn vào năm 2025. Nếu chỉ có rừng trồng với tỷ trọng gỗ nhỏ phục vụ sản xuất dăm là chính, khả năng nhập khẩu dư địa không nhiều thì nguyên liệu trong nước phải tăng lên thêm nữa. 

Theo đó, diện tích rừng trồng phải đạt khoảng 30 triệu m3 vào năm 2025; đồng thời duy trì, gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường có uy tín, có chứng chỉ.

Hải Băng