Nhiều đơn vị tiên phong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Tháng 9/2023, lần đầu tiên tại thành phố Đông Hà có tuyến phố thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đó là tuyến phố Nguyễn Trãi. Hoạt động này góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, phủ sóng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ kinh doanh, tiểu thương, đồng thời xây dựng tuyến phố văn minh, hiện đại.

W-minhhoa.png

Chị Ngọc Lài ở thành phố Đông Hà cho biết, mấy năm gần đây, khi đi siêu thị hoặc đi chợ mua hàng, chị đều thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua chuyển khoản trên ứng dụng banking của ngân hàng hoặc thanh toán qua mã QRcode. Việc thanh toán không dùng tiền mặt này vừa giúp chị tiết kiệm được thời gian lại vừa bảo đảm an toàn.

“Không chỉ đi chợ hay mua hàng, mà khi thanh toán tiền điện, nước, đóng học phí cho con tôi cũng thực hiện qua ứng dụng banking của ngân hàng. Vì thế, hiện nay tôi ít khi sử dụng tiền mặt”, chị Lài cho hay.

Không chỉ ở thành phố hay đô thị lớn người dân mới có thể thanh toán không dùng tiền mặt mà hiện nay ở vùng nông thôn, mô hình này cũng đã được triển khai rộng rãi.

W-thanh-toan-dich-vu-cong-1.jpg
Nhằm thúc đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế, tỉnh Quảng Trị đã đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong mọi lĩnh vực.

Nhằm thúc đẩy các đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ số, nền tảng số, triển khai chuyển đổi số, thanh toán số, mới đây huyện Triệu Phong đã yêu cầu các đơn vị giáo dục trên địa bàn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn.

Theo đó, từ năm học 2023 - 2024, các trường học trên địa bàn huyện sẽ áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo sự minh bạch trong thu, chi tài chính của nhà trường, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo. Với sự quyết tâm cao và những giải pháp đồng bộ, ngành Giáo dục huyện Triệu Phong phấn đấu đến hết năm học 2023 – 2024 sẽ có ít nhất 55% số tiền học phí của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thị trấn và 30% số tiền học phí của các cơ sở giáo dục địa bàn nông thôn được thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo tiền đề nâng cao tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong các năm tiếp theo.

Đối với ngành Y tế, huyện chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế triển khai thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số tại các cơ sở y tế, đảm bảo người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao kịp thời, tiện lợi và an toàn.

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ tháng 9/2023, tỉnh sẽ thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thông qua chi trả trực tuyến vào tài khoản, không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội, xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế; triển khai ứng dụng CNTT vào chi trả chế độ cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ hành chính công, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả chương trình an sinh xã hội. Đến nay, 100% đơn vị đã kê khai đăng ký nộp thuế của ngành thuế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán điện tử.

Trong đó, một số dịch vụ công thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỉ lệ tương đối cao như tiền điện, bảo hiểm và trợ cấp xã hội. 

Ngân hàng sẵn sàng phục vụ

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho ngành tài chính, đồng thời giúp chống lại việc thất thu thuế cho Nhà nước từ những giao dịch chui hoặc không minh bạch. Đối với người dân, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thực sự đem lại nhiều tiện lợi khi mua sắm như: tiết kiệm thời gian, công sức của bên trả tiền và bên thu tiền, giảm bớt thời gian đợi chờ tới lượt thanh toán…

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 11 quỹ tín dụng nhân dân, 11 chi nhánh cấp 1 của tổ chức tín dụng, 11 chi nhánh ngân hàng cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và 51 phòng giao dịch trực thuộc các ngân hàng thương mại đang hoạt động.

Hiện nay, các ngân hàng đã lắp đặt 111 máy ATM (trong đó có 6 máy ATM đa chức năng cho phép người dân nộp tiền vào tài khoản ngân hàng 24/7), 693 POS, hơn 7.165 điểm chấp nhận thanh toán qua QRCode tại các doanh nghiệp, cơ sở, chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... đã tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện thanh toán và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để phát triển số lượng tài khoản, thẻ, giới thiệu mở rộng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động qua tài khoản ngân hàng, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với người thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn.

Lê Giáp Việt Hoàng, Trần Quang Ninh