Vu Van, sáng lập viên ứng dụng ELSA hỗ trợ học tiếng Anh trên nền trí tuệ nhân tạo

Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam với các chương trình truyền hình và bộ phim Mỹ, Vu Van luôn mơ về ngày được sống tại Mỹ. Tuy nhiên, khi chuyển tới California sau khi được nhận vào Đại học Stanford năm 2009, kỹ năng nói tiếng Anh đã khiến cô bị tụt lại phía sau.

Cô hồi tưởng: “Tôi đứng lên phát biểu trước cả lớp và giáo sư không thể hiểu nổi tôi. Kể cả khi tôi có ý tưởng hay, chúng vẫn không được tiếp nhận đầy đủ. Tôi mất nhiều tự tin trong năm đầu đó”.

Trải nghiệm của Van là nguồn cảm hứng để cô phát triển ứng dụng trợ lý nói tiếng Anh English Language Speaking Assistant khi trở về Việt Nam. Ra đời năm 2015, ELSA, phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp người học tiếng Anh cải thiện phát âm, đã huy động thành công 3,2 triệu USD từ hãng đầu tư mạo hiểm Hill Ventures của Monk, tập trung vào startup Đông Nam Á.

Van cho biết cô đã làm một cuộc khảo sát và 90% người được hỏi nói họ cảm thấy sợ việc nói tiếng Anh và không có giải pháp thực sự nào giúp họ giải quyết các thách thức này.

Ý tưởng về việc học ngoại ngữ dựa trên trí tuệ nhân tạo là khá độc đáo, song đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện của startup Việt Nam thành công trong vài năm trở lại đây. 10 năm qua, Việt Nam tăng trưởng 6% mỗi năm, trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam còn nằm trong các nước dân số trẻ nhất, hơn 60% trong 90 triệu dân dưới 35 tuổi. Các yếu tố này khiến Việt Nam là quê hương của một trong các trung tâm khởi nghiệp năng động nhất hành tinh.

Theo báo cáo của Asean Post, năm 2017, các startup địa phương huy động thành công 291 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Phần lớn đều thuộc công nghệ, lĩnh vực có tiềm năng nở rộ nhờ vào dân số trẻ và sành Internet. Bên cạnh được rót vốn từ thung lũng Silicon, họ còn nhận được quan tâm từ các gã khổng lồ khu vực.

Tencent là một trong số các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên chú ý đến Việt Nam, đó là vào năm 2008 khi tập đoàn đầu tư khoản tiền chưa xác định vào VNG. Theo TechCrunch, JD.com đầu tư khoảng 50 triệu USD vào trang bán lẻ trực tuyến Tiki đầu năm 2018.

Eddi Thai, đối tác tại quỹ đầu tư 500 Startups, nhận xét Việt Nam vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh với các thị trường mới nổi khác. “Tại các nước Đông Nam Á khác, bao gồm Singapore và Malaysia, hệ sinh thái startup đã trưởng thành. Ngược lại, Việt Nam nổi lên nhờ kinh tế, nhân khẩu học và tài năng mạnh mẽ”.

“Việt Nam hiện có khoảng 250.000 kỹ sư, lượng công việc công nghệ đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua”. Chưa kể, lương CNTT Việt Nam còn thấp hơn 40% so với Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Thai cho biết nhiều startup ông đầu tư đang cung cấp giải pháp cho các vấn đề của thị trường Việt Nam. Trong số đó có Productify, nền tảng xây dựng ứng dụng tài chính; Detexian, cung cấp bảo mật cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; ứng dụng học tiếng Anh ELSA. Ông mong đợi các tiến bộ quan trọng trong công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử, vận tải và giao nhận, giáo dục và sức khỏe trong vài năm tới.

Cũng như Vu Van, câu chuyện của nhà sáng lập startup Roy Nguyen liên quan đến giải quyết các vấn đề thị trường. “Năm 2013, tôi đạp xe xuyên Việt và chứng kiến nhiều người chưa có tài khoản ngân hàng không thể tiếp cận dịch vụ tài chính từ các tổ chức tài chính. Tương tự, các nghệ nhân địa phương và doanh nhân trẻ đang gặp phải nhiều vấn đề khi tiếp cận vốn”. Một năm sau, anh trình làng Huy Dong, dịch vụ fintech ngang hàng (peer-to-peer). Kể từ đó, startup hợp tác với SparkLabs, một tổ chức tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) Hàn Quốc và Silicon Valley Vietnam.

Theo Vu Van, khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và thung lũng Silicon là quy mô của startup. Còn theo Nguyen, bắt chước mô hình của thung lũng Silicon không phải lựa chọn thực tế đối với Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự khác biệt về văn hóa giữa hai miền Nam – Bắc, chẳng hạn người miền Nam cởi mở hơn và sẵn sàng thử những điều mới mẻ, trong khi người miền Bắc truyền thống hơn, yêu thích những thứ quen thuộc và được người quen giới thiệu.

Dù thế nào đi nữa, các sáng lập viên startup đều đồng ý hệ sinh thái startup Việt Nam đang ở giai đoạn đầu. “Từ ý tưởng cho đến số lượng các vườn ươm, nhà đầu tư, nhà đầu tư thiên thần, tôi cho rằng trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến tăng trưởng ấn tượng”, Van – nhà sáng lập ELSA, cho biết. “Chúng tôi phát triển nhanh nhưng vẫn còn rất trẻ và cần nhiều hơn các câu chuyện thành công để đưa Việt Nam lên bản đồ (startup)”.