Một đầu ngập lụt, một đầu là “kỳ quan giao thông”. Nhưng giống nhau ở hai chữ- quy hoạch có vấn đề.

Đó là vụ việc ở một đầu đất nước- t/p Hồ Chí Minh

“Lụt từ ngã tư đường phố”

Cả tuần nay, báo chí và các trang mạng xã hội hầu như chỉ tập trung vào trận mưa khủng khiếp ngày 26/9 tại t/p Hồ Chí Minh, dẫn đến trận lụt mà có người gọi là trận lụt lịch sử. Cũng không ngoa.

Cả t/p biến thành một biển nước mênh mang với hơn 30 điểm ngập nặng, tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy. Hàng trăm ngàn chiếc xe máy bị ngập, bị cuốn trôi, bị chết máy, bị ngã, hàng ngàn người dân bì bõm giữa dòng nước xiết mà không sao quay đầu là bờ.

Thậm chí ở bệnh viện, các hộ lý đứng giữa dòng nước loay hoay…. bắt lươn, loài thủy sản sống chui lủi dưới bùn sâu.

Trên các trạng mạng xã hội, lập tức truyền đi trích đoạn clip hài Gặp nhau cuối năm 2009 với chủ đề “Lụt từ ngã tư đường phố”- chế từ ca khúc “Từ một ngã tư đường phố” với những ca từ nghe mà cười ngả nghiêng.

{keywords}

Hai thanh niên bị ngã xe trong dòng nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: Thuận Thắng/VOV

Có facebooker nào đó còn tếu táo: Kể từ hôm nay, ngày 27/9/2016, cảnh sát giao thông có quyền phạt bất cứ ai tham gia giao thông không mang phao cứu sinh…

VietNamNet, ngày 28/9 còn có hẳn bài viết “Địa danh mới: Sông Hà Lội, biển Sài Ùm”. Chỉ cần đọc lên đã thấy…. cái sự bì bõm của nước.

Điều hài hước, trước đó đúng 03 tháng, ngày 26/6, t/p này khởi công dự án chống ngập (giai đoạn 01) với tổng kinh phí 10.000 tỷ đồng giữa t/p và nhà đầu tư. Đây là dự án chống ngập có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay ở t/p HCM. Trước đó, là 20.000 tỷ của các chương trình chống ngập của t/p. Không biết 20.000 tỷ đó “ngập” ở đâu rồi?

Đúng là cười mà đau

Không đau sao được? Đất nước ta nói chung, t/p Hồ Chí Minh nói riêng, đi sau nhiều quốc gia văn minh về sự phát triển kinh tế thị trường. Thế nhưng những bài học nhãn tiền về phát triển nói chung, môi trường sống đô thị nói riêng cũng lại… đi sau rốt. Và cứ mỗi lần xảy ra sự cố, là người Việt chỉ biết loay hoay tự cứu lấy mình.

Nói cho công bằng, ngập lụt ở t/p HCM không phải chuyện mới mẻ gì. Chung sống với triều cường ở đô thị này là chuyện đến hẹn lại lên, từ xa xửa xa xưa, trước cả những năm 1975 .Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ “tinh thần ngập lụt” của t/p HCM…. dâng cao như bây giờ. Vì sao?

Đó là hệ lụy, là mặt trái của sự phát triển, của quá trình đô thị hóa mà con người không kiểm soát nổi. Do tư duy thiếu tầm chiến lược, thừa tầm “tiểu nông” ăn sổi ở thì, tùy tiện. Chưa kể “tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm”. Chưa kể hoa hồng… nở trên các dự án.

Hãy đi ngược lại thời gian. Cũng theo VietNamNet, ngày 28/9,  xem bản đồ thành Sài Gòn (xưa) mới thấy hệ thống kênh rạch chằng chịt. Đó chính là nơi điều tiết nước mưa, nơi chứa nước khi mưa, làm mát không khí thành phố và thoát nước khi mưa lớn. Nay, t/p  bê tông hóa đến không còn chỗ nào thoát nước nữa, nhà bê tông, đường bê tông, vỉa hè bê tông. Hệ thống kênh rạch thoát nước như bị… bóp cổ.

Cơn mưa ngày 26/9 mới chỉ là chịu tác dụng phụ của cơn bão Megi đổ bộ vào Đài Loan. Nếu cơn bão đó đổ bộ vào Việt Nam, cả t/p có lẽ chỉ toàn…. “tiên cá”?

Lỗi lớn nhất không phải là quy hoạch của t/p thì là gì?

Quả là phú quý giật lùi.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch t/p HCM cho rằng, quản lý thoát nước t/p HCM đang có vấn đề. Nhưng có lẽ, và trước hết, chính là vấn đề quản lý trong quy hoạch, quy hoạch và quy hoạch. Là trách nhiệm của chính UBND t/p các nhiệm kỳ- từ thì quá khứ đến thì hiện nay.

Không biết lần này, dự án chống ngập lớn nhất của t/p có làm nên trò trống gì không, hay vẫn cứ bì bõm trong trận lụt… “vấn đề” của quản lý nói chung, thoát nước nói riêng.

Tưởng là thiên tai, nhưng cuối cùng vẫn là tại “nhân tai”

Vĩ mô và vi mô

Ở một đầu kia, là vụ việc giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội giữa những ngày nắng nóng oi ả.

Liên tiếp trong 03 ngày, hai vụ việc thương tâm xảy ra: Một em học sinh mới 09 tuổi trên đường đi học, một người phụ nữ đang đợi xe, đã bị hai chiếc- xích lô, xe máy (kéo xe cải tiến) chở tôn cồng kềnh trên đường phố cứa phải vào cổ, dẫn đến tử vong. Dù được mọi người khẩn trương cấp cứu.

Tai họa bất ngờ khiến những “tay lái”- đang là những người lao động lương thiện chuyển thành… tù nhân.

Hai vụ việc thương tâm đó chỉ phản chiếu một cách đau đớn bức tranh giao thông đô thị ở Hà Nội đứng ở đâu trong tiêu chí của văn hóa giao thông? Nhưng nguy hiểm nhất, giờ đây, người Việt chúng ta dường như đã “nhờn” với cả tai họa. Ai cũng có chút Chí Phèo bấu víu vào sự mê tín – sống chết có số- để tiếp tục chấp nhận …. khiêu vũ với cái cách giao thông đô thị, có lẽ chỉ Việt Nam mới có.

{keywords}
Giao thông kẹt cứng sau trận mưa lớn ở thành phố HCM. Ảnh: VOV

Chả thế, theo VietNamNet, ngày 28/9 mới đây, giao thông ở Hà Nội đã được nhà báo Mỹ Llewellyn King trong một bài viết trên Hoffington Post (Mỹ) sau nhiều lần đến Việt Nam, ví von là “kỳ quan thế giới”- thứ kỳ quan đáng hổ thẹn và… chết người nếu chẳng may sơ ý, như hai nạn nhân nói trên.

Vì sao vậy? Hãy nhìn ở tầm vi mô cho tới vĩ mô

Bởi cho dù XH đang trên hành trình hội nhập văn minh, nhưng dường như người Việt vẫn tham gia vào hành trình đó với thói quen tư duy “đường làng” rất hồn nhiên. Đường ta ta cứ đi, bất cần những quy định và chế tài pháp luật. Mà hai vụ việc thương tâm nói trên là minh chứng cụ thể.

Bởi cho dù là công cụ trực tiếp bảo vệ sự an toàn, trật tự xã hội, nhưng các cảnh sát giao thông đã thực sự làm tròn bổn phận chưa, khi ngày ngày ở bất cứ con phố nào của Hà Nội, ngay trong giờ cao điểm cũng có thể thấy xuất hiện đủ các loại xe thô cơ, chuyên chở cồng kềnh, vi phạm luật lệ giao thông đường bộ, nhưng vì sao CSGT lại ngoảnh mặt làm ngơ?

Sự phát triển của đất nước đòi hỏi giao thông đô thị phải thực sự đi trước, gắn với  quy hoạch và xây dựng đô thị đồng bộ. Tỷ như chủ trương di dời các trường đại học, một số các bệnh viện ra ngoại thành Hà Nội- một chủ trương đúng đắn cách đây hàng chục năm, và được sự ủng hộ, sới xáo của chính Tuần Việt Nam, nhưng đến nay, dường như tất cả những chủ trương đó lại như …. chìm vào im lặng đáng buồn. Vì sao?

Tỷ như việc xây dựng các đô thị vệ tinh để hút các lực lượng lao động các tỉnh đang đổ xô về Hà Nội giãn bớt, cũng là một chủ trương đúng và cần thiết, rút cục xoay…. về điểm xuất phát! Vì sao?

Tỷ như nên giãn bớt các khu chung cư cao tầng ra xa nội thành, một phương án giãn dân đúng đắn, thì rút cục, các dự án xây dựng nhà ở, chung cư lại tiến vào nội thành, ta tiến vào nội thành. Rút cục, ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Mà chẳng phải nam thanh nữ tú, tài tử giai nhân gì. Chỉ cần va chạm là có thể xô xát một cách thanh lịch… ngược.

Một đầu ngập lụt, một đầu là “kỳ quan giao thông”. Nhưng giống nhau ở hai chữ- quy hoạch.

Đúng là “nhân tai” ở…. hai đầu nỗi nhớ!

Thiên tai xảy ra, có sự phòng chống của con người.

Nhưng khi “nhân tai” xảy ra, chống thế nào đây?

Kỳ Duyên

-----------

(*) Tên ca khúc Ở hai đầu nỗi nhớ (Lời: Trần Hoài Thu; nhạc Phan Huỳnh Điểu)