{keywords}
 

Ngày 13/4, CEO Alphabet Sundar Pichai thông báo kế hoạch chi 9,5 tỷ USD cho văn phòng và trung tâm dữ liệu tại Mỹ, tăng từ 7 tỷ USD năm 2021, dù vẫn chưa bằng cam kết 13 tỷ USD trong năm 2019. Trang tin của cộng đồng kinh doanh New York - Crain’s New York Business – cũng đưa tin Meta chuẩn bị thuê thêm gần 28.000m2 của tòa nhà văn phòng tại Manhattan, mở rộng diện tích làm việc tại New York.

Đây chỉ là hai trong số các hoạt động mua bán, thuê mướn bất động sản tấp nập thời gian gần đây của các hãng công nghệ. Theo báo cáo hồi đầu năm của công ty dịch vụ bất động sản CBRE, ngành công nghệ chiếm tới 36 trong số hơn 100 hợp đồng cho thuê đắt giá nhất được ký trên toàn quốc trong năm 2021, tăng từ 18 của một năm trước đó. Một nghiên cứu độc lập khác của CBRE chỉ ra các thương vụ mua cơ sở R&D, tòa nhà văn phòng tại Silicon Valley đạt mốc kỷ lục 8,7 tỷ USD vào năm ngoái, doanh nghiệp công nghệ tiếp tục dẫn đầu.

Tốc độ xuống tiền như phát đi một thông điệp không hề tích cực đối với những nhân viên đang muốn cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc: Muốn hay không, các bạn vẫn phải đến văn phòng.

Dù các hãng công nghệ vẫn triển khai các phương án làm việc kết hợp hay làm việc hoàn toàn qua mạng, khoản đầu tư vào bất động sản báo hiệu nhiều lãnh đạo vẫn xem trọng hình thức làm việc trực tiếp. Trên blog, ông Pichai giải thích việc đầu tư vào trụ sở sẽ mang đến sản phẩm tốt hơn, chất lượng sống tốt hơn cho nhân viên và cộng đồng mạnh hơn.

Cơn sốt bất động sản đang nóng lên từng ngày giữa lúc nhiều tên tuổi công nghệ lớn bắt đầu cho phép nhân viên làm việc từ xa vô thời hạn nếu muốn. Danh sách này ngày một dài ra, với những cái tên nổi bật như Cisco, Twitter, Spotify, Shopify, Lyft, Dropbox, Coinbase… Tuy vậy, hầu hết các công ty lớn nhất ngành lại theo đuổi mô hình kết hợp, đưa nhân viên quay lại văn phòng ít nhất vài ngày mỗi tuần.

Microsoft mở cửa văn phòng từ cuối tháng 2, Google từ tuần trước, còn Apple yêu cầu nhân viên khối văn phòng dành ít nhất 1 ngày/tuần tại trụ sở kể từ tuần này và dự kiến tăng lên 3 ngày/tuần vào mùa hè. Meta, Amazon, Intel và Salesforce đều cung cấp lịch trình linh hoạt.

Văn phòng mở trở lại trong bối cảnh nhân viên tiếp tục thể hiện sự bất mãn với những “khối hộp” buồn chán. Một khảo sát gần đây của Hiệp hội Văn phòng nâng cao đối với gần 10.000 nhân viên giới “cổ cồn trắng” phát hiện 86% muốn làm việc ở nhà ít nhất 2 ngày/tuần. Một khảo sát khác từ tháng 6/2021 của Fortune và Momentive chỉ ra, gần một nửa trong số 2.000 người đang làm việc ở nhà nói sẽ tìm việc khác nếu bị buộc quay lại văn phòng khi dịch bệnh lắng xuống.

Cách tiếp cận kết hợp đánh dấu sự nhượng bộ của các nhà tuyển dụng, những người đánh giá cao lợi ích của làm việc trực tiếp nhưng lo sợ chảy máu nhân viên vào tay đối thủ. Các tháng tiếp theo sẽ cho thấy rõ liệu những lo lắng về nhân tài chạy sang công ty khác cho họ làm trực tuyến hoàn toàn có xảy ra hay không. Tuy nhiên, dựa trên chi phí dành cho bất động sản, dường như các lãnh đạo không quá e ngại tại thời điểm này.

Du Lam (Theo Fortune)

Ông chủ Microsoft cảnh báo hậu quả của các email đêm muộn

Ông chủ Microsoft cảnh báo hậu quả của các email đêm muộn

CEO Microsoft Satya Nadella cảnh báo sức khỏe của nhân viên có thể bị ảnh hưởng do ngày làm việc kéo dài, đến tận đêm muộn.