Theo đó, Xiao Li (nhân viên công ty công nghệ tại Thượng Hải, Trung Quốc) đã nộp đơn xin nghỉ phép do phải làm tăng ca 3 tháng liên tục. Trong quá trình trao đổi, anh và phía bộ phận nhân sự (HR) đã bất đồng quan điểm và xảy ra tranh cãi.

Theo Jiupai News Video, khi HR chất vấn về thời gian xin nghỉ, Xiao Li cho biết anh đã hỏi ý kiến bên bộ phận sản xuất và được đồng ý. Anh sẽ trở lại làm việc sau 2 ngày nghỉ phép để đi khám sức khỏe do suy kiệt sức lực.

"Nếu tôi đột tử, anh có chịu trách nhiệm được không?", Xiao Li nói với phía nhân sự khi bị làm khó.

Nhân sự liền đáp lại: "Khi nào đột tử rồi nói".

dot tu vi lam viec qua suc o Trung Quoc anh 1

Nhiều nhân viên ngành công nghệ phải làm thêm giờ đến kiệt sức. Ảnh: dfic.cn.

Áp lực chết người

Câu chuyện được Xiao Li chia sẻ lên diễn đàn đã gây nên cuộc tranh cãi lớn. Đa số bình luận bày tỏ sự bức xúc, phản đối cách hành xử thiếu tình cảm, có phần quá đáng của phía nhân sự.

Chiều cùng ngày, phóng viên của Jiupai đã liên hệ với đại diện công ty nơi Xiao Li làm việc. Phía công ty cho biết sẽ xác minh và làm rõ với bộ phận HR, sau đó phản hồi dư luận.

Theo Tianyancha, công ty trên được thành lập năm 2019, với số vốn điều lệ đăng ký là một triệu nhân dân tệ. Phạm vi kinh doanh của công ty bao gồm phát triển công nghệ mạng xã hội, công nghệ kỹ thuật số, máy tính và Internet.

dot tu vi lam viec qua suc o Trung Quoc anh 2

Văn hóa làm việc 996 bị lên án tại đất nước tỷ dân. Ảnh: Reuters.

Đây không phải lần đầu tiên dư luận phẫn nộ trước việc nhân viên các công ty công nghệ lớn phải làm việc quá sức, liên tục làm thêm giờ theo văn hóa 996 (làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần).

Ngày 23/2, một kỹ thuật viên trẻ tuổi của ông lớn ngành công nghệ ByteDance đột ngột qua đời trong phòng tập thể dục của công ty.

Một tuần trước đó, nhà thiết kế trẻ 26 tuổi cũng đột tử tại nhà. Phần tin nhắn trò chuyện của anh trước khi qua đời cho biết anh "thức thâu đêm suốt một tuần".

Vấn đề nhân viên văn phòng, đặc biệt là những người làm trong ngành công nghệ thông tin, đột tử vì làm việc quá sức trở thành chủ đề tranh luận gay gắt.

Báo cáo cho thấy gần 90% nhân viên văn phòng không thể thoát khỏi cảnh phải làm thêm giờ.

Theo một cuộc khảo sát được công bố trên "Tạp chí Y học Cấp cứu Trung Quốc", khoảng 80% nhân viên ngành công nghệ thông tin ở nước này đang trong tình trạng mệt mỏi quá mức.

Căng thẳng mệt mỏi mạn tính không chỉ là nguyên nhân gây bệnh mạch vành sớm ở người trẻ và trung niên, mà còn chiếm từ 65% đến 80% nguyên nhân của các trường hợp đột tử do ngừng tim.

Cuộc chiến lâu dài

Cuối năm 2021, chiến dịch mang tên "Worker Lives Matter" đã được khởi xướng bởi các lập trình viên Trung Quốc, nhằm phản đối chế độ làm thêm giờ khắc nghiệt trong các công ty công nghệ lớn như Tencent, Alibaba, ByteDance.

"Chiến dịch do các lập trình viên Trung Quốc khởi xướng nhằm giải quyết tình trạng làm thêm giờ phổ biến và không được kiểm soát trong các công ty, bao gồm cả các công ty công nghệ. Nhân viên chúng tôi cũng cần cuộc sống", thông báo đính kèm cho biết thêm nhóm khởi xướng là các lập trình viên ẩn danh.

dot tu vi lam viec qua suc o Trung Quoc anh 3

Đấu tranh chống lại làm thêm giờ quá mức là cuộc chiến lâu dài. Ảnh: Getty.

Sự tức giận của công chúng về việc làm thêm giờ lên đến đỉnh điểm vào tháng 1 năm nay, khi một nhân viên 23 tuổi làm việc tại nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đột ngột qua đời trên đường về nhà lúc 1h30 sáng.

Hồi tháng 8, tòa án cấp cao nhất của Trung Quốc đã công bố một loạt các phán quyết liên quan đến lao động để làm rõ các tiêu chuẩn pháp lý về giờ làm việc và tiền lương làm thêm giờ.

Tuy nhiên, từ việc kêu gọi không làm thêm giờ đến thực hiện nó phải mất một quá trình lâu dài.

Anh Wang (sinh năm 1994), hiện là kỹ sư của một công ty công nghệ lớn, nói với Red Star News rằng sau thông báo hủy bỏ hệ thống tăng ca, bộ phận của anh chỉ nghiêm ngặt hơn về làm thêm giờ, nhưng khối lượng công việc trong ngày vẫn thế. Do đó, nhiều người buộc phải vắt kiệt sức mới làm xong việc.

Các chuyên gia lo ngại rằng làm việc cường độ cao có thể dẫn đến đột tử, song khó bảo đảm quyền lợi cho người lao động và quy trách nhiệm cho phía sử dụng lao động nếu nhân viên gặp tai nạn ngoài nơi làm việc.

Fu Jian, luật sư từ Công ty Luật Henan Yulong, tin rằng cái chết đột ngột tại nhà nói chung ít liên quan đến công việc mà người sử dụng lao động sắp xếp, khó có thể quy thành tai nạn "trong giờ làm, nơi làm việc và vì lý do công việc".

Lin Dong, luật sư nổi tiếng về tranh chấp lao động tại Công ty Luật Henglong Thượng Hải, cũng nói với Red Star News rằng cái chết đột ngột của các nhân viên tại nhà hay trong phòng tập thể dục của công ty không đáp ứng "Quy định về Bảo hiểm Thương tật" và rất khó xác định là chấn thương khi làm việc.

Theo Zing

Phụ nữ Trung Quốc từ chối ở nhà thuê sau khi lấy chồng

Phụ nữ Trung Quốc từ chối ở nhà thuê sau khi lấy chồng

Theo khảo sát, phụ nữ Trung Quốc cảm thấy an toàn nếu sở hữu tài sản khi kết hôn. Họ sẵn sàng chia sẻ chi phí mua nhà với chồng, từ chối ở nhà thuê sau đám cưới.