- Việc hợp nhất các bộ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng và sáp nhập một số đơn vị hành chính có đủ điều kiện để giảm 3-4 bộ và hàng chục tỉnh là hoàn toàn có cơ sở.
Trao đổi bên hành lang QH sáng nay, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tới đây Bộ sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nội dung mà nghị quyết hội nghị TƯ 6 đề ra.
Nghị quyết 18, TƯ 6 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" có nêu rõ việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…
Nghị quyết cũng khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương.
Làm ngay tổ chức bên trong bộ ngành, địa phương
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: T.Hằng |
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, có những nội dung áp dụng làm ngay, có những lĩnh vực nghiên cứu định hướng làm thí điểm, cũng có những nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng 13.
“Điều có thể làm ngay được là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ ngành, địa phương”, Bộ trưởng Tân nói.
Theo ông, việc rà soát lại lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan để không bị chồng lấn, sắp xếp lại các bộ ngành, kể cả các đơn vị trực thuộc, để đảm bảo làm sao đơn vị sự nghiệp công trong mỗi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ còn lại 1 đơn vị.
"Cơ quan chuyên môn của các ngành như y tế cũng phải sắp xếp lại cho phù hợp. Một số nhiệm vụ có thể chuyển giao phân cấp giữa trung ương cho cấp tỉnh, cấp tỉnh cho cấp huyện để giảm bớt đầu mối”, ông Tân cho hay.
Trả lời về phương án, lộ trình sáp nhập một số bộ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao 2 chương trình hành động: Sắp xếp lại bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước và sắp xếp lại các đơn vị theo nghị quyết TƯ 6.
“Việc này cũng bám vào nội dung nghị quyết TƯ để xây dựng lộ trình các bước thực hiện”, ông Tân nói.
Về đề xuất sáp nhập các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, Bộ trưởng Tân cho rằng, vấn đề này phải tổng kết, đánh giá lại, bởi mỗi quy mô 1 tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau nên phải có tổng kết mới đánh giá được.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, nghị quyết TƯ6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại. “Trong nghị quyết TƯ 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh”, ông Tân cho hay.
Còn về sáp nhập các bộ, theo ông Tân, chủ trương này thuộc đối tượng thứ 3 là “tiếp tục nghiên cứu”.
Hoàn toàn có cơ sở để sáp nhập
“Tôi thấy đề xuất hợp nhất bộ ngành tương đồng, và sáp nhập một số tỉnh để giảm 3-4 bộ và hàng chục tỉnh là hoàn toàn có cơ sở. Qua thời gian đi giám sát ở các tỉnh cùng đoàn giám sát tối cao của QH tôi cũng nhận ra điều này”, ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách QH Lê Thanh Vân nhìn nhận.
ĐB Lê Thanh Vân. Ảnh: Phạm Hải |
ĐB tỉnh Cà Mau cho biết, QH khoá 13 ông đã đề nghị sáp nhập một số bộ như Bộ KH-ĐT với Bộ Tài chính, GTVT với Bộ Xây dựng và bây giờ đề xuất đó vẫn còn nguyên giá trị.
“Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính đều liên quan đến quản lý nguồn lực quốc gia. Một anh thì xây dựng phương án tổ chức nguồn lực, một anh thực thi tổ chức nguồn lực ấy nhưng lại thường xuyên có độ vênh về chính sách. Nhập làm một gọi là Bộ Kế hoạch - Tài chính hoặc thậm chí thu hút thêm một số chức năng của các bộ khác gọi là Bộ Kinh tế tổng hợp”, ĐB Vân phân tích.
Ông cũng đề xuất nhập Bộ GTVT với Bộ Xây dựng gọi là Bộ Cơ sở hạ tầng.
Theo ông, có một số bộ rất cần thiết nhưng lại không có như Bộ Biển đảo, Bộ Du lịch hiện chỉ ở quy mô tổng cục.
Theo ĐB Lê Thanh Vân, cần xem xét lại nhu cầu quản lý của xã hội, cái nào Nhà nước phải quản lý thì phân định, sắp đặt nó theo từng nhóm lĩnh vực. Còn cái nào nhà nước không nhất thiết quản lý thì trả lại cho xã hội.
“Đây là tinh thần nghị quyết TƯ 6 đã đề cập, trong báo cáo của đoàn giám sát cũng đã nêu. Làm sao quản lý nhà nước chỉ tập trung vào những vấn đề then chốt nhất với tinh thần kiến tạo phát triển. Nhà nước nắm giữ quyền chi phối quản lý ở những phương diện chủ chốt nhất, từ đó khoanh lại các lĩnh vực chia làm các nhóm tương đồng để xác định thiết chế tổ chức cho phù hợp”, ĐB Lê Thanh Vân nói.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho biết, Ban sẽ tổ chức hội thảo để thảo luận sâu về việc này.
Đề xuất hợp nhất một số bộ
Đoàn giám sát của QH đề nghị nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau.
Cải cách bộ máy: Mấy chục năm vẫn loay hoay
Mấy chục năm qua, chúng ta vẫn loay hoay với sắp xếp tổ chức bộ máy, nhập bộ này, tách bộ kia, bao nhiêu bộ là vừa.
Tinh gọn bộ máy sẽ ra tiền, ra gạo
Thực hiện tốt nghị quyết 18 TƯ 6, bộ máy tinh gọn không những nâng cao chất lượng hoạt động mà còn ra tiền, ra gạo.
Nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao nổi bộ máy cồng kềnh
Cái bánh ngân sách dù thành nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế lo lắng.
‘6-8 bộ, hàng chục tỉnh có thể sáp nhập với nhau’
ĐB Phạm Văn Hoà, Đồng Tháp cho rằng, hiện nay có khoảng 6-8 bộ và nhiều tỉnh có thể sáp nhập với nhau.
Sáp nhập ở Bộ GTVT: Thừa hàng loạt sếp tổng, sếp phó
Việc Bộ GTVT sáp nhập các ban quản lý dự án khiến nhân sự chủ chốt có nhiều thay đổi, tổng giám đốc thành phó giám đốc, cấp phó tăng gấp đôi.
Thu Hằng