Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội da liễu Việt Nam, anh vừa tiếp nhận và điều trị cho trường hợp 2 chị em trong gia đình bị nhiễm nấm da đầu (Kerion de Celse) do tiếp xúc với mèo nuôi trong gia đình.

Cả hai bệnh nhân đến khám vì trên da đầu xuất hiện các ổ áp-xe, kích thước khoảng 2-3cm. Ổ áp-xe chứa đầy các hốc mủ như sình lầy, nằm trên nền da viêm nề. Khai thác tiền sử, trong nhà bệnh nhhi có nuôi chó, mèo, các em thường xuyên tiếp xúc, thậm chí ngủ chung với vật nuôi.

Hình ảnh ổ áp xe trên đầu bệnh nhân khi đến khám. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ khuyến cáo khi đã bị nhiễm nấm da do tiếp xúc với chó, mèo hay các vật nuôi khác cần vệ sinh cá nhân thường xuyên, tránh mặc quần áo ẩm ướt, ngâm quần áo vào nước đun sôi và là ủi thường xuyên hoặc phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời, nhất là quần áo lót; tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn lây như chó, mèo..., không dùng chung quần áo, chăn màn với người mắc bệnh, tránh tắm lá cây hay tự ý đắp thuốc điều trị.

Khi mắc nấm đầu, người bệnh cần được điều trị sớm, đúng cách, tránh tình trạng tổn thương lan rộng, nhiễm trùng. Tóc trên thương tổn thường mọc lại sau khi đã hết nhiễm trùng, tuy nhiên, tóc có thể rụng vĩnh viễn trong những trường hợp nhiễm trùng kéo dài. 

Với các gia đình có nuôi chó, mèo, cần giữ vật nuôi sạch sẽ, thường xuyên tắm, điều trị nấm da nếu mắc, kiểm tra sức khỏe thường xuyên và tẩy giun định kỳ và hạn chế cho con vật nằm lên gối, chăn… Nếu thú cưng có dấu hiệu bệnh trên da, cần đưa đến phòng khám thú y để điều trị kịp thời, tránh lây sang người.