Chị D. (40 tuổi, Hưng Yên) đi khám trong tình trạng hay xuất hiện những cơn ngứa, nhiều vết trầy xước trên da, nhiễm trùng kèm nhiều vết ngoằn ngoèo như giun bò.

"Mỗi lần ngứa, tôi phải gãi ngay thì mới chịu được. Đi đâu tôi cũng phải mang theo vỉ thuốc dị ứng, thấy ngứa là phải uống ngay nhưng chỉ đỡ ngứa đi chứ không khỏi hẳn. Rất phiền toái", chị D. chia sẻ với bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội).

Chị cho biết bản thân mình bị ngứa như vậy 5 năm nay, đi khám da liễu nhiều nơi, dùng nhiều loại thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm. 

Trả lời khi bác sĩ hỏi về thói quen sinh hoạt, chị D. kể chị thích mèo nên nuôi 2 con mèo Anh lông dài 5 năm nay, rất thích ôm, hôn và cho chúng ngủ cùng.

Tổn thương lòng bàn tay và trên da của bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun móc chó, mèo. Ảnh: BSCC

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chị bất ngờ nhận chẩn đoán bị nhiễm ký sinh trùng.   

Xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân D. có chỉ số Elisa dương tính với giun đũa chó mèo và bạch cầu ái toan tăng, kèm theo các triệu chứng dị ứng trên da.

Bệnh nhân được dùng thuốc điều trị bệnh đặc hiệu để giảm sự phát triển của ấu trùng và các triệu chứng ngứa. Sau một liệu trình, tình trạng ngứa của chị giảm dần.

Dễ nhầm với bệnh da liễu, dị ứng

Tiến sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết, nhiều người hiện nay thích nuôi thú cưng (chó, mèo) và có thói quen chơi cùng, ngủ cùng trong khi việc này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun đũa chó, mèo tương đối cao.

Người bị nhiễm giun đũa, giun móc từ chó, mèo hay các bệnh lý ký sinh trùng thường tới viện trong tình trạng bị ngứa từ nhẹ đến dữ dội. Không ít trường hợp da bị tổn thương, nhiễm trùng nhiều năm.

"Khoảng 2/3 bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng đến viện chúng tôi khám đều có biểu hiện ngứa", bác sĩ Thọ nói. Người dân khi bị ngứa thường nghĩ ngay tới các bệnh về da liễu và đi khám chuyên khoa da liễu, dị ứng, miễn dịch.

"Nhiều bệnh nhân điều trị da liễu tới 5 năm, 10 năm nhưng không khỏi", ông cho biết. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để khám thì phát hiện nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo.

Khi ngứa, bệnh nhân sẽ gãi và gây tổn thương nhiều mảng da, trong khi không phải lúc nào bệnh nhân cũng ý thức được việc phải rửa tay trước khi gãi. Đầu móng tay bẩn là môi trường để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khi gãi. 

Giun đũa chó, mèo chỉ là vật ký sinh ở chó, mèo, khi vào cơ thể người, sẽ không có chu kỳ sinh sản, ngõ cụt, không thể tìm thấy trứng hay ấu trùng của giun đũa chó mèo trong phân người.

Để chẩn đoán bệnh, chỉ có thể tìm thấy kháng thể của giun đũa chó, mèo trong máu bệnh nhân, kèm theo chỉ số bạch cầu ái toan tăng và một số triệu chứng lâm sàng.

Làm gì để không nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo?

Theo bác sĩ Thọ, người bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, sán dây, giun lươn, sán máng, sán thường bị ngứa rất nhiều. Ngứa không gây nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng gây ra khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt. 

Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, bác sĩ Thọ khuyến cáo:

- Không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo.

- Nên vệ sinh sạch sẽ cho có mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ.

- Nên tẩy giun định kỳ cho chó, mèo sẽ giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo sang người. Vì chó, mèo cũng có nguy cơ nhiễm các bệnh ký sinh trùng rất cao.