Chất lượng giấc ngủ phụ thuộc đáng kể vào nhiệt độ phòng. Khảo sát của Hiệp hội Giấc ngủ Quốc gia (Mỹ) cho thấy không gian mát mẻ là một trong những yếu tố quan trọng để có thể ngủ ngon. 80% những người được hỏi cho rằng điều này rất quan trọng đối với họ.
Nhiệt độ phòng tốt nhất cho giấc ngủ vào khoảng 18 độ C, chênh lệch vài độ tùy từng người. Nhưng hầu hết các bác sĩ đều khuyên nên để điều hòa từ 15,6 tới 19 độ C để có giấc ngủ thoải mái nhất.
Trẻ sơ sinh có thể được hưởng lợi từ phòng ngủ ấm hơn, lên khoảng 20,5 độ C. Khi cơ thể còn nhỏ và đang phát triển, trẻ nhạy cảm hơn với sự thay đổi của môi trường xung quanh.
Nhiệt độ tác động tới giấc ngủ như thế nào?
Chu kỳ giấc ngủ được nhịp sinh học của chúng ta điều chỉnh. Nhịp sinh học dựa trên chu kỳ sáng tối của mặt trời và được não điều khiển. “Đồng hồ cơ thể” nhận được tín hiệu từ một số yếu tố môi trường và cá nhân, từ lượng tiếp xúc với ánh sáng (quan trọng nhất), đến tập thể dục và nhiệt độ.
Thân nhiệt của con người khỏe mạnh khoảng 37 độ C, nhưng dao động một chút trong suốt đêm. Nhiệt độ giảm bắt đầu khoảng 2 giờ trước khi bạn đi ngủ, đồng thời với việc giải phóng hormone melatonin có tác dụng gây buồn ngủ. Trong khi ngủ, thân nhiệt tiếp tục giảm, xuống mức thấp vào sáng sớm và sau đó ấm dần lên.
Cách chính để cơ thể tự hạ nhiệt khi ngủ là truyền nhiệt ra bên ngoài. Trong một quá trình được gọi là giãn mạch, đồng hồ sinh học gửi tín hiệu để tăng lưu lượng máu đến tay chân.
Đây là lý do một số người cảm thấy bàn tay và bàn chân ấm vào ban đêm - có thể bị nhầm với nhiệt độ cả cơ thể. Những người có bàn chân lạnh mạn tính có nguy cơ cao bị mất ngủ, có thể do quá trình trên bị gián đoạn.
Mẹo giữ cho phòng ngủ mát mẻ
- Đóng rèm cả ngày để giảm nhiệt tích tụ
- Chuyển xuống tầng dưới trong mùa hè nếu nhà riêng nhiều tầng
- Hạ nhiệt độ điều hòa thấp vào ban đêm
- Mở cửa sổ để lưu thông không khí
- Sử dụng đệm, ga trải giường, chăn, gối và đồ ngủ có chất lượng, thoáng mát
- Tắm nước ấm một hoặc hai giờ trước khi đi ngủ để tạo hiệu ứng hạ nhiệt tự nhiên
Ngoài việc tối ưu hóa nhiệt độ phòng, bạn có thể chuẩn bị cho giấc ngủ bằng cách điều chỉnh thân nhiệt. Vì nhịp sinh học nhạy cảm với sự dao động của ánh sáng, chế độ ăn uống, tập thể dục, thời gian của những hoạt động này có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể và có khả năng gây buồn ngủ.
Các thói quen như đi ngủ đúng giờ mỗi đêm, tránh đồ uống có cồn trước khi ngủ, giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh sẽ giúp bạn thiết lập đồng hồ cơ thể và thân nhiệt khi ngủ theo một lịch trình nhất quán.
An Yên (Theo Sleep Foundation)