- Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm... nhưng xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Báo cáo trước QH về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 sáng nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu khái quát, công tác PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước. 

{keywords}

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu. Ảnh: Hoàng Anh

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng...

Còn bao che, nể nang

Nói về trách nhiệm người đứng đầu trong PCTN, ông Sáu  cho biết, số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. 

Ông cho biết, trong năm qua chỉ có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xem xét, xử lý trách nhiệm. Trong đó 6 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 5 người đang được xem xét để có các hình thức xử lý.

Theo Tổng thanh tra, việc nâng cao trách nhiệm giải trình và xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã góp phần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định.

Tuy nhiên, thực tế số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. 

“Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị”, Tổng thanh tra phân tích.

Ông nhìn nhận tình trạng một số nơi có biểu hiện coi nhẹ, chậm chỉ đạo thực hiện, không thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra mặc dù đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm, lợi ích nhóm.

Ngoài ra tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ còn khá phổ biến… Trong khi đó, việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. 

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga  cho rằng, con số xử lý người đứng đầu năm nay quá ít, chỉ có 11 người, giảm 35 người so với cùng kỳ năm 2015. Có tình trạng người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình. 

Có tham nhũng trong chính lực lượng chống tham nhũng

Nói về công tác tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN, Tổng thanh tra Chính phủ nhìn nhận còn hạn chế. Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực bị buông lỏng, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm. Một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc, nói không đi đôi với làm, hành động trên thực tế chưa tương xứng với quyết tâm chống tham nhũng. 

“Có trường hợp cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật bao che, bảo kê cho vi phạm để vụ lợi”, Tổng thanh tra Chính phủ nêu thực tế.

UB Tư pháp cũng nhận định, hiệu quả hoạt động của các cơ quan PCTN còn chưa tương xứng với tổ chức bộ máy đã được kiện toàn (Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSND tối cao và hàng trăm tổ chức, đơn vị chuyên trách ở cấp tỉnh, cấp huyện).

Vì vậy, bà Nga đề nghị Chính phủ, VKSND tối cao cần đánh giá nguyên nhân của việc các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn nhưng việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng lại giảm trong khi tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng.

“Đáng lưu ý, thời quan qua xảy ra một số vụ tham nhũng ngay trong chính lực lượng có chức năng chống tham nhũng"- Chủ nhiệm UB Tư pháp nhấn mạnh. Đây là vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh PCTN...

Theo báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao, Cơ quan điều tra viện đã khởi tố 16 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Tham nhũng lớn bị tẩu tán tài sản

Báo cáo trước QH về công tác thi hành án năm 2016, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết các vụ án trong lĩnh vực kinh tế tăng cả về số vụ và số tiền, riêng số tiền cao nhất từ trước đến nay, nhất là án tín dụng ngân hàng tăng đột biến.

Tuy nhiên tỉ lệ thi hành án rất thấp, mới xử lý được hơn 17% và thu được gần 25% số tiền.

“Một số việc liên quan đến án kinh tế, tham nhũng có giá trị rất lớn nhưng không có điều kiện thi hành do tài sản bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán trong các vụ án kinh tế, tham nhũng...”, Bộ trưởng Tư pháp nêu.

Theo ông Long, nguyên nhân do trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức đến việc truy tìm hoặc chưa kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản của đương sự để bảo đảm thi hành án.

T.Hạnh

Thu Hằng – Hồng Nhì