Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

"Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là Dự án số 8 trong 10 dự án thành phần giai đoạn I từ 2021 - 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới, hỗ trợ chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành liên quan thực hiện và đạt được kết quả bước đầu về các chỉ tiêu cốt lõi của dự án. Các mô hình, hoạt động được người dân đón nhận, ủng hộ, được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Tại Quảng Bình, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức thực hiện điểm Dự án 8 với hoạt động đầu tiên là thành lập tổ truyền thông cộng đồng ở 3 thôn, bản tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Cũng tại xã biên giới này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ra mắt các mô hình địa chỉ tin cậy, tập huấn về bình đẳng giới tại 2 thôn và mô hình Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trường Sơn; đồng thời, ở cấp xã cũng thành lập thêm 6 tổ truyền thông cộng đồng tại 6 bản.

Các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân tại địa bàn. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, bà con dân tộc Bru - Vân Kiều đã được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức, như: Luật Bình đẳng giới; khuôn mẫu giới trong việc nhà; phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Sau khi thành lập các địa chỉ tin cậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn đã tích cực truyền thông, giới thiệu cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng nắm vững thông tin, kỹ năng cần thiết nhằm giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã thành lập 32 tổ truyền thông cộng đồng, 6 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi và 19 địa chỉ tin cậy. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền về Dự án 8 trên các nhóm Zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên trên địa bàn.

Hội cũng tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội cấp xã và cốt cán các thôn, bản ở địa bàn thực hiện các nội dung trong Dự án 8 như: việc hỗ trợ sinh kế, tổ vay vốn tiết kiệm phụ nữ thôn, hỗ trợ bà mẹ sinh đẻ an toàn. Việc tổ chức các mô hình đi đôi với quan tâm hỗ trợ kinh phí hợp lý để duy trì hoạt động qua từng năm và suốt cả giai đoạn.

Hội Phụ nữ các tỉnh, thành đã có nhiều mô hình hay nhằm phát huy vai trò thúc đẩy bình đẳng giới. 

Tại Hà Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn thực hiện Dự án 8. Đồng thời triển khai đồng bộ các nội dung hoạt động của dự án như: Tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm; xây dựng và nhân rộng các mô hình, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. 

Công tác này đã góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục; bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện…

Người dân tộc Dao thôn Há Chế, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có nghề làm hương truyền thống lâu đời, chuyên cung cấp hương cho đồng bào các dân tộc H’Mông, Dao. Tuy nhiên, những năm gần đây, số hộ gia đình làm hương truyền thống ngày càng ít, chỉ còn một vài hộ gia đình làm nhỏ lẻ.

Thực hiện thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đầu năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã khảo sát và quyết định xây dựng mô hình phát triển nghề làm hương truyền thống dân tộc Dao tại thôn Há Chế, với mục tiêu ban đầu là khôi phục lại nghề truyền thống, tiến tới nâng cao thu nhập cho hội viên.

Từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang đã khảo sát và xây dựng 9 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Trong đó, có 6 mô hình nông nghiệp, 3 mô hình phục hồi nghề truyền thống, với hơn 250 hội viên phụ nữ tham gia. Hầu hết các mô hình đang trong giai đoạn bước đầu triển khai, thành lập tổ, nhóm và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật.

Tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, thực hiện nội dung số 1 của Dự án 8 về tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã thành lập và ra mắt 34 tổ truyền thông cộng đồng tại các xã: Vân An, Chiến Thắng, Thượng Cường, Bắc Thủy và Vân Thủy...

Đồng thời tổ chức 10 lớp tập huấn cho 278 thành viên tổ truyền thông cộng đồng. Tổ chức 1 Hội thi với chủ đề “Xây dựng mái ấm bình yên cho phụ nữ và trẻ em” cấp huyện; 2 cuộc giao lưu dưới hình thức sân khấu hóa chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Phát huy vai trò của nữ cao tuổi, nữ thanh niên trong xóa bỏ định kiến giới" tại huyện và cụm xã Chiến Thắng, có 210 người tham dự.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chi Lăng còn xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.

Hội đã hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Tổ chức 7 lớp tập huấn kiến thức kinh doanh thương mại điện tử; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ tại huyện và các xã Bắc Thủy, Vân An, Vân Thủy, Lâm Sơn, Bằng Hữu, Hữu Kiên. Thành lập 1 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại xã Liên Sơn nhằm hỗ trợ kịp thời phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội tại cộng đồng thông qua mô hình Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, Hội đã hỗ trợ, thành lập, ra mắt 9 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại 7 trường học của các xã. Tổ chức được 5 lớp tập huấn kiến thức về bình đẳng giới, nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho đội ngũ tuyên truyền viên.

Nâng cao khả năng tiếp cận y tế, chăm sóc sức khỏe

Bên cạnh hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thì việc tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ những kiến thức cơ bản về sinh đẻ an toàn, các gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hà Giang rất quan tâm.

Trong những tháng đầu năm 2023, đã tổ chức hơn 150 cuộc truyền thông lớn thu hút hơn 8.000 lượt phụ nữ tham gia. Các cấp Hội bám nắm địa bàn, rà soát các đối tượng sinh con để hỗ trợ kinh phí sinh đẻ an toàn tại cơ sở y tế. Đến cuối tháng 6, đã có 168 trường hợp phụ nữ được hỗ trợ tiền ăn, đi lại, chăm sóc sinh đẻ tại cơ sở y tế; hỗ trợ lương thực, dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con trong 6 tháng đầu.

Tại Yên Bái, Dự án 8 được triển khai tại 59 xã, 55 thôn đặc biệt khó khăn tại 8 huyện, thị xã. Dự án ưu tiên đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật.

Đặc biệt, các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản được chú trọng. Nhờ được tuyên truyền và cung cấp các dịch vụ tốt đến tận cơ sở, nhận thức về chăm sóc sức khỏe của phụ nữ dân tộc thiểu số đã ngày một thay đổi.

Các hoạt động tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khoẻ tình dục cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa trên nhiều địa bàn được đẩy mạnh và tiếp cận từng đối tượng. Cán bộ y tế phối hợp với trạm y tế các xã thường xuyên xuống tận các thôn, buôn để tư vấn cách chăm sóc sức khỏe; thuyết phục phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế để thăm khám và sinh con an toàn, tránh tai biến; sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình… 

Qua kết quả thực hiện bước đầu cho thấy, các hoạt động của Dự án 8 được thiết kế và triển khai bám sát yêu cầu định hướng của dự án, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó mang lại quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em trên các địa bàn được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tại các cấp và nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín.

Quỳnh Nga