Tăng hiệu quả kinh doanh
Tại cuộc làm việc mới đây với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Gijae Seong, Giám đốc quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam (AGS Vietnam) cho rằng: “Việt Nam có một số điểm mạnh, như đang dần trở thành một công xưởng sản xuất của không chỉ khu vực Đông Nam Á, mà là của cả thế giới. Các sản phẩm của Việt Nam trên Sàn thương mại điện tử Amazon quốc tế đã được chú ý".
Theo ông Gijae Seong, Amazon đang có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực tại Việt Nam. Ngoài văn phòng ở Hà Nội và TP.HCM, trong thời gian tới, Amazon mong muốn mở rộng văn phòng ở các địa phương khác, như Đà Nẵng, để “phủ sóng” tại Việt Nam.
“Chúng tôi cũng đang tiếp tục tìm kiếm các lĩnh vực mới để hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho các doanh nghiệp Việt, giúp họ bản địa hóa sản phẩm, tùy biến sản phẩm để dễ dàng hơn khi bán hàng trên Amazon”, ông Gijae Seong nói.
Amazon có kế hoạch giúp doanh nghiệp Việt tăng hiệu quả khi tham gia bán lẻ trên sàn thương mại điện tử, như hỗ trợ người bán hàng lưu kho tại Amazon và các dịch vụ hỗ trợ online khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết: "NIC tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lên các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu xuyên biên giới. Chúng tôi tin rằng, Amazon là một đối tác phù hợp để đồng hành với mục tiêu của chúng tôi”.
Theo số liệu cung cấp bởi Amazon Gloabal Selling Việt Nam, hiện đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam bán hàng qua kênh thương mại điện tử này với doanh thu năm 2020 vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Hàng Việt có nhiều cơ hội xuất khẩu trên nền tảng xuyên biên giới |
Nỗ lực đưa hàng Việt lên sàn
Theo đánh giá của các chuyên gia, để doanh nghiệp tăng số lượng đơn hàng, doanh thu trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không phải là dễ dàng, mà còn gặp không ít khó khăn.
Đó là làm thế nào để phát triển thương hiệu, nâng cao nhận diện với người mua nước ngoài, đồng thời giảm chi phí giao hàng vì sản phẩm bán online thường có giá trị không lớn.
Ông Gijae Seong cho rằng, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững và đa dạng hóa kênh bán hàng. Bên cạnh đó, cần thích ứng với những thay đổi từ nhu cầu khách hàng, tối ưu hóa sản phẩm và dịch vụ dựa theo đánh giá. Cuối cùng là mở rộng kênh bán hàng xuyên biên giới, mang hàng Việt ra thế giới.
Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Amazon sẽ bắt tay hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt muốn làm ăn với Amazon. Trong đó, có 3 chương trình sẽ do NIC thực hiện.
Trong chương trình đầu tiên, hai bên sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp phát triển kinh doanh với Amazon, mục tiêu là lựa chọn và hỗ trợ thành công 50 doanh nghiệp triển khai kinh doanh với Amazon.
Chương trình thứ hai, NIC và Amazon sẽ nghiên cứu định hướng, phối hợp đồng tổ chức các hoạt động về xuất khẩu và xây dựng thương hiệu Việt trên Amazon. Trong khuôn khổ chương trình sẽ có một loạt hội thảo, hội thảo trực tuyến được tổ chức để kết nối, trao đổi thông tin, thảo luận về các cơ hội xuất khẩu, hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và Amazon.
Với chương trình thứ ba, Amazon sẽ cử chuyên gia cung cấp thông tin, chia sẻ về cơ hội, cũng như tổ chức các chương trình đào tạo giúp doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa qua Amazon...
Ngoài 3 chương trình hợp tác với NIC, Amazon còn hợp tác với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Chương trình “Bệ phóng 90 ngày cùng Amazon”, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thông qua Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon, từng bước xây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường tiêu dùng quốc tế.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tới đây Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc xúc tiến riêng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội vào kênh thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon.
Sở rất kỳ vọng qua các đợt hỗ trợ như tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ hiểu rõ và nắm bắt được những các quy định, quy trình, thủ tục. Đồng thời, được tư vấn để thường xuyên làm mới sản phẩm của mình trên hệ thống. Từ đó, có thể gây được sự chú ý và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên thị trường thế giới.
Bài ảnh: Thanh Bình