Nỗ lực kéo giảm lãi suất

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất (lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng Việt Nam đồng kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng đối với một số ngành, lĩnh vực) với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

lãi suất.jpg
Lãi suất cho vay đang dần hạ nhiệt.

Đến hết tháng 9/2023, mặt bằng lãi suất cho vay trung bình đã giảm khoảng 1-1,5% so với năm trước. Lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn từ 5,5-7%/năm, trung hạn khoảng 8,5-10%/năm cho các khoản vay mới. 

Ngoài ra, để hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp như tạo thanh khoản và dư địa cho ngân hàng cùng với việc bổ sung thêm công cụ cho ngân hàng giảm lãi suất; thực hiện tái cơ cấu khoản nợ, lãi đến hạn nếu doanh nghiệp gặp khó khăn; ban hành các gói tín dụng ưu đãi như cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp lâm, thủy sản,...; tăng cường các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp...

Có 4 ngân hàng thương mại lớn đã triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thị trưởng và gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng cho vay lâm, thủy sản. 

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành một số văn bản, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể như:  Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Qua đó, nhằm kiểm soát nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp. Khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. 

 Thông tư 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Qua đó, nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 

Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 quy định về bảo lãnh ngân hàng và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, trong đó bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử và cho vay bằng phương tiện điện tử, phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, với quy trình thủ tục thực hiện nhanh hơn, thuận tiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. 

Tăng trưởng tín dụng vẫn thấp

Về tăng trưởng tín dụng: ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng năm 2023 với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% (mức giao tháng 2 cho toàn hệ thống là khoảng 11%).

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp. 

Mặc dù có nhiều nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ nhằm tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng phụ thuộc lớn vào khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng và nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, do thị trường thế giới sụt giảm, các giải pháp kích cầu trong nước còn hạn chế, vì thế năng lực hấp thụ vốn khó khăn, tăng trưởng tín dụng chậm cải thiện mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành.

Tính đến ngày 30/11/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 9,15%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2018-2022 (trung bình 13,4%), thấp hơn ngay cả so với thời kỳ dịch bệnh COVID-19 (trung bình 2020-2021 là 12,9%), và cũng thấp so với cùng kỳ năm 2022 (12,0%). Thực tế này phần nào phản ánh sự suy giảm nhu cầu đầu tư, kinh doanh; thể hiện mức độ khó khăn và sức chống chịu suy yếu của doanh nghiệp. 

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp chủ yếu từ các yếu tố khách quan. Đó là đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng (chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung)...

Phạm Lương Bằng, Huỳnh Tuấn Kiệt, Lê Bích Thủy, Bạch Thị Hân, Nguyễn Thành Huế