- Giáo viên cần được đánh giá theo chuẩn mới là chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 bậc Tiểu học được tổ chức ngày 4/8 tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Chuẩn bị đội ngũ giáo viên: Khẩn trương nhưng không nóng vội
Đánh giá về bậc học Tiểu học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là có nhiều đổi mới phương pháp dạy, học và đánh giá học sinh.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bậc học Tiểu học vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung vào rà soát quy hoạch trường lớp và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Sắp có chuẩn mới để đánh giá giáo viên. Ảnh: Thanh Hùng |
Hiện nay, số lớp học ở bậc Tiểu học có thể học được 2 buổi/ngày là khoảng 70%, số còn lại cần phải sớm được giải quyết để triển khai được chương trình giáo dục phổ thông mới đúng mục tiêu và yêu cầu của bậc học này. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường lớp học tại địa phương.
“Bộ đã xây dựng bộ quy chuẩn quy hoạch các trường phổ thông, theo đó các địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới hệ thống trường lớp đảm bảo hợp lý, đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Thời gian qua, công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở bậc Tiểu học đã được các địa phương tích cực triển khai, số giáo viên được đánh giá đạt chuẩn (theo chuẩn cũ) khá cao, bản thân các giáo viên bậc học này cũng năng động để tự trau dồi những phương pháp dạy học mới theo hướng phát huy năng lực của người học. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng, nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì cũng còn nhiều giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bộ trưởng đưa ra ví dụ từ mô hình VNEN, cũng bởi chưa có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nên dẫn tới việc triển khai chưa đạt được yêu cầu như mong muốn, dù đây là một phương pháp học tập tiến bộ.
“Rõ ràng khi đưa một mô hình, phương pháp giáo dục mới vào triển khai, việc đầu tiên phải tính đến là các điều kiện để thực hiện nó, trong đó có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cần thiết. VNEN thời gian qua tạo ra những luồng dư luận băn khoăn, phản đối là bởi khi áp dụng vào thực tiễn, một số trường đã không dành đủ thời gian để tập huấn giáo viên, giúp họ có sự chuẩn bị tốt cả về chuyên môn và phương pháp, chưa tính toán thấu đáo quy mô trường lớp, sỹ số học sinh cho phù hợp với phương pháp mới”.
Riêng về mô hình trường học mới VNEN, Bộ trưởng yêu cầu các Sở GD-ĐT phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai. Không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất theo phương pháp dạy/học mới này.
Chấm dứt dạy chữ trước khi vào lớp 1, bệnh thành tích trong đánh giá học sinh
Trước tình trạng vẫn còn có nơi, có chỗ tổ chức dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải chỉ đạo chấm dứt ngay tình trạng này.
Hiện nay, Bộ đã có văn bản chỉ đạo, theo đó chỉ được dạy, chuẩn bị cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 những kỹ năng làm quen với chữ cái và các hoạt động vận động, làm quen với môi trường học lớp 1. Phòng giáo dục cần chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy chữ trước lớp 1 cho trẻ mầm non.
Việc dạy thêm, học thêm cũng phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh xảy ra tình trạng dạy thêm các kiến thức nâng cao hoặc biến tướng buổi thứ hai thành buổi học thêm trong các trường học 2 buổi/ngày.
Sau một năm triển khai Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học (thay thế Thông tư 30), Bộ trưởng khẳng định, công tác đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 22 đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên nhiều nơi còn tình trạng khen tràn lan, khen không phù hợp.
Năm học tới, Vụ Giáo dục Tiểu học tiếp tục tổ chức tập huấn cho các giáo viên thực hiện tốt đánh giá học sinh theo theo Thông tư 22 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để giảm tải cho giáo viên trong đánh giá học sinh.
Bộ trưởng nhấn mạnh “Ở đâu còn bệnh thành tích, khen thưởng tràn lan, khen thưởng không phù hợp, ảnh hưởng tới tinh thần nhân văn trong đánh giá học sinh Tiểu học, Giám đốc Sở GD-ĐT ở đó phải chịu trách nhiệm”.
- Thanh Hùng