Ba hãng hàng không châu Á đã thay đổi đường bay để tránh những mảnh vỡ từ một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên dự kiến sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 12-16/4.
TIN BÀI KHÁC:
Cận cảnh tên lửa sắp phóng của Triều Tiên
Triều Tiên hay Iran, nước nào đáng lo hơn?
Trung, Hàn, Nhật lo ngại chuyện tên lửa Triều Tiên
Mỹ định hạ tên lửa đạn đạo Triều Tiên thế nào?
Điểm danh vũ khí Triều Tiên, Nhật dùng khi đối đầu
Hãng hàng không Philippines đã thay đổi lộ trình của một số chuyến bay vì lo ngại các mãnh vỡ của tên lửa Triều Tiên. (Ảnh minh họa: airplane-pictures.net)
Hãng hàng không Philippines, hãng hàng không Nhật Bản (JAL) và hãng hàng không All Nippon (ANA) đã thông báo thay đổi một số lộ trình.
Hôm 8/4 vừa qua, các nhà chức trách Triều Tiên đã mời các chuyên gia và nhà báo quốc tế tới trạm vệ tinh Sohae tại Tongchang-ri tại bờ biển phía tây bắc của đất nước. Triều Tiên cho biết mọi việc đã sẵn sàng và sẽ sớm nạp nhiên liệu. Ba tầng của tên lửa được lắp ráp hoàn chỉnh.
Trước đó, Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng tên lửa này là vì "mục đích hòa bình" và đánh dấu sinh nhật lần thứ 100 của lãnh tụ Kim Nhật Thành vào ngày 15/4 tới. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh lại nghi ngờ rằng đây là một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa.
Hãng hàng không Philippines cho biết, nơi các mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống được dự đoán là "ngay phía đông của đảo Luzon", tất cả các chuyến bay đi qua khu vực này trong thời gian phóng tên lửa sẽ điều chỉnh lộ trình, bao gồm các chuyến bay giữa Manila và Mỹ; Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các nhà chức trách Philippines cũng công bố một vùng cấm bay và cảnh báo tàu thủy và thuyền đánh cá tránh khỏi khu vực nơi các mảnh vỡ của tên lửa có thể rơi xuống, hãng thông tấn AP đưa tin.
Trong một thông báo được đăng trên trang web của mình, JAL cho biết đường bay của các chuyến bay Tokyo-Manila, Jakarta-Singapre sẽ được thay đổi, khiến thời gian bay sẽ tăng thêm 5-20 phút.
ANA thông báo thay đổi đường đi của 5 chuyến bay giữa Tokyo-Manila, Manila-Jakarta nhưng cho biết lịch trình của các chuyến bay sẽ không bị ảnh hưởng.
Những thông báo trên được đưa ra khi Triều Tiên bước vào giai đoạn cuối của công tác chuẩn bị phóng tên lửa mặc cho sự chỉ trích và áp lực của quốc tế.
Trong khi đó, Nhật Bản đã huy động hệ thống tên lửa đất đối không để bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong trường hợp các mảnh vỡ của nó sẽ đe dọa tới lãnh thổ nước này.
Sầm Hoa (Theo BBC)