Là huyện miền núi khó khăn song những năm qua huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) luôn thực hiện tốt phong trào xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Công tác khuyến học, khuyến tài được cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần tự nguyện.

Đến nay, Thường Xuân đã có 16 xã, thị trấn có tổ chức hội, 20 hội khuyến học cơ sở, 321 chi hội, 60 ban khuyến học và 23.524 hội viên. Riêng năm 2023, Hội Khuyến học huyện và các xã, thị trấn đã vận động nguồn quỹ khuyến học từ các hội viên, nhà tài trợ với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Từ nguồn quỹ này, Hội Khuyến học huyện đã phối hợp với các ban, ngành, phòng giáo dục, các nhà tài trợ khen thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích trong giảng dạy và học tập; trao học bổng, hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh có thành tích trong học tập; hỗ trợ cơ sở vật chất cho các nhà trường. Qua đó, kịp thời động viên hàng nghìn học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh giỏi trên địa bàn toàn huyện vươn lên học tập tốt hơn.

khuyenhoc_thanhhoa.png
Nụ cười hạnh phúc của học sinh trường TH-THCS Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Ảnh: Lê Dương

Là huyện miền núi, công tác vận động quỹ của địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng theo ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thường Xuân, với sự nỗ lực của toàn thể các cấp hội trên địa bàn, nhân dân đề cao giá trị việc giáo dục, học tập, công tác khuyến học được nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ. Nhiều cá nhân, đơn vị đóng góp bằng những hoạt động cụ thể như cấp học bổng, tặng sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh; hỗ trợ máy vi tính, máy chiếu, tivi, màn hình cho các trường.

Nhằm đổi mới, sáng tạo hoạt động của phong trào khuyến học, Hội Khuyến học huyện Thọ Xuân đã hướng dẫn các chi hội, các ban khuyến học và dòng họ khuyến học đăng ký, đánh giá, công nhận danh hiệu "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập"… Đến nay tổng số quỹ khuyến học trong toàn huyện khoảng 25 tỷ đồng, kịp thời động viên, khuyến khích học sinh, giáo viên thi đua dạy tốt, học tốt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện.

Ông Vương Văn Việt, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa, cho hay tỉnh có trên 1 triệu hội viên, đạt tỷ lệ 28,3% dân số toàn tỉnh, cao hơn tỷ lệ cả nước. Hằng năm, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức phát động cuộc thi viết, biên tập thành sách những gương người tốt, việc tốt làm khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội tiêu biểu. Sau đó phát hành tài liệu này xuống tận thư viện xã phường, thị trấn. Đây là một số những công việc mà công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đã ký kết chương trình phối hợp với 32 đơn vị như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể, các hội thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai giai đoạn 2011-2016; 2016-2021; 2021-2026. Từng năm tổ chức hội nghị đánh giá chương trình phối hợp và triển khai nhiệm vụ năm mới.

"Nhờ vậy, chúng ta thay đổi quan niệm rằng khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập không phải của riêng ngành giáo dục, của riêng Hội khuyến học mà đây là của toàn bộ hệ thống chính trị", ông Việt nói.

Trên toàn tỉnh Thanh Hóa, đến nay, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đã vận động, xây dựng nguồn quỹ khuyến học đạt khoảng 390 tỷ đồng. 

Để phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển, hội khuyến học các cấp ở Thanh Hóa đang đẩy mạnh công tác phát triển hội viên, xã hội hóa quỹ khuyến học, vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, chung tay cùng làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài.

Bên cạnh đó, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong khuyến học, khuyến tài; rà soát, bình xét các danh hiệu, nhân rộng mô hình học tập trong cộng đồng để lan tỏa ngày càng sâu rộng đến từng gia đình, dòng họ, khu dân cư.

Minh An