- Rồi đây những cán bộ tha hóa, biến chất sẽ phải chịu những hình thức xử phạt tương ứng với tội lỗi họ gây ra. Nhưng điều dư luận quan tâm, mong mỏi hiện nay là vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng cần phải được thực hiện ráo riết, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Cổ nhân từng đúc kết rằng “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu”, nghĩa là “người không biết lo xa ắt sẽ buồn gần”. Hàm ý câu nói muốn khuyên răn người ta đừng quá dễ dãi, nông nổi, hời hợt, có con mắt thiển cận, thái độ ăn xổi ở thì; mà rất nên, rất cần có suy nghĩ chín chắn, biết nhìn xa trông rộng, ăn hôm nay phải nhớ đến ngày mai, làm việc gì cũng phải tính toán trước sau, đo lường sự thiệt hơn để mục đích cuối cùng là được nhiều hơn mất, góp phần làm cho tiếng cười vui nhiều hơn nước mắt, để cho làng trên xóm dưới nhiều niềm vui hơn là sự ta thán, phiền muộn.

{keywords}
Ông Đinh La Thăng trong phần xét hỏi. Ảnh: TTXVN.

Nhìn từ phương diện quốc gia thì bất cứ thời đại nào, xã hội nào, tổ chức nào cũng cần có những người phải biết lo xa. Người biết lo xa là người không chỉ nhận rõ những ưu điểm, tiềm năng, thế mạnh của dân tộc, cộng đồng, cơ quan mình, mà hơn thế, phải thấy tường tận cả những điểm yếu, hạn chế, thói hư tật xấu trong mỗi tổ chức và con người cụ thể để có biện pháp khắc phục.

Thật đáng mừng là những năm gần đây, những người biết lo xa của Đảng, Nhà nước ta đã thực sự nghĩ đến vận mệnh sơn hà xã tắc, lo lắng cho tương lai, số phận của hơn 90 triệu người dân Việt nên đã có những động thái quyết liệt trong công cuộc kiến tạo đất nước, củng cố thế trận lòng dân, giữ gìn giang sơn gấm vóc và ngăn ngừa, đẩy lùi những vấn nạn làm cản trở con đường tiến bước của dân tộc. Một trong những việc làm thấy rõ nét nhất, được “điểm cộng” nhiều nhất trong lòng dân là công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy Đảng, Nhà nước đã, đang được triển khai sâu rộng, thực hiện đến nơi đến chốn và bước đầu mang lại hiệu quả, hiệu ứng rất tích cực.

Nhìn lại các vụ đại án về tham nhũng được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây, nếu xâu chuỗi lại các vấn đề, không khó để nhận thấy những cái được rất đáng ghi nhận.    

Ba cái được

Với việc đưa bị cáo Đinh La Thăng, một cựu Ủy viên Bộ Chính trị ra xét xử công khai, chưa bao giờ những cụm từ như “pháp luật bất vị thân”, phòng chống tham nhũng không còn chuyện “tắm từ vai trở xuống”, không có “vùng cấm”, không có  “trường hợp ngoại lệ”… được khẳng định mạnh mẽ, nhất quán như thời điểm này. Điều đó cho thấy, chúng ta đã và đang đưa kỷ cương phép nước vào đúng quỹ đạo, yêu cầu tất cả mọi công dân dù ở bất cứ cương vị nào, ở đâu cũng phải có ý thức, trách nhiệm, bổn phận “thượng tôn pháp luật”. Nếu ai coi thường pháp luật, trước sau cũng sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng.

Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặt ra từ 20 năm nay, bắt đầu từ năm 1998 khi Nghị quyết Trung ương (6 lần 2, khóa VIII), dù đã đạt một số kết quả đáng kể, nhưng trên thực tế- như Đảng ta thừa nhận- vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Nhưng công tác chỉnh đốn Đảng thực sự đã có bước chuyển động chưa từng thấy trong lịch sử Đảng ta, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, với minh chứng là hơn 20 cán bộ cao cấp của Đảng đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, trong đó có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Kiên quyết xốc lại đội ngũ, siết chặt kỷ luật, cắt bỏ những “khối u” làm mọt ruỗng “cơ thể” của Đảng là một điểm sáng nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Cái được ý nghĩa hơn là Đảng, Nhà nước ta đã, đang lấy lại thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh lòng dân, củng cố niềm tin cho dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống “quốc nạn” tham nhũng. Chưa có thời điểm nào mà hầu như ở đâu, chỗ nào, bất cứ ai, dù là bà bán chè nước, anh lái xe ôm, chị nông dân… hằng ngày tưởng như chỉ biết lo toan với bát cơm manh áo đời thường, nhưng cũng có lúc hào hứng, sôi nổi bán tán, xì xào với nhau những chuyện “ông to, bà lớn” bị xử lý kỷ luật, cách chức, ra tòa… Điều này cho thấy, một mặt cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đang có sinh khí mạnh mẽ, tiến công quyết liệt vào cả những “sào huyệt” tham nhũng với vô vàn âm mưu tinh vi và được bao bọc bởi một “dây dợ lợi ích nhóm” vô cùng chằng chịt; mặt khác dân ta vẫn quý trọng Đảng, đặt niềm tin kỳ vọng lớn lao vào cuộc chiến đầy cam go, phức tạp, nhạy cảm này.

Ba điều tổn thất

Thế nhưng, bên cạnh những cái được nêu trên, chúng không thể không chạnh lòng, xót xa về những tổn thất không mong muốn.

{keywords}
Với việc đưa bị cáo Đinh La Thăng, một cựu Ủy viên Bộ Chính trị ra xét xử công khai, chưa bao giờ những cụm từ như “pháp luật bất vị thân”, phòng chống tham nhũng không còn chuyện “tắm từ vai trở xuống”, không có “vùng cấm”, không có “trường hợp ngoại lệ”… được khẳng định mạnh mẽ, nhất quán như thời điểm này. Ảnh: TTXVN.

Đáng nói nhất là tổn thất cán bộ. Chúng ta không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội mình- là một câu nói đầy tâm trạng của người đứng đầu Đảng ta. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý từng được ăn học đến nơi đến chốn, từng lăn lộn trong thực tiễn, từng lên rừng xuống biển, đồng cam cộng khổ với người lao động, từng có những năm tháng rèn luyện chỉn chu, trưởng thành, từng được bao người dân trông mong, kỳ vọng vào sự cống hiến, đóng góp của họ, nhưng rồi phần vì tự họ không bền bỉ tu dưỡng và nghiêm khắc giữ gìn bản thân, phần khác vì những kẻ hỡ trong công tác quản lý xã hội và mặt trái của cơ chế thị trường lôi kéo, tác động, mà họ đã sa ngã và phải trả giá. Nhưng không chỉ cá nhân, gia đình họ đau xót, mà tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp của họ và nói rộng ra là Đảng, Nhà nước ta cũng bị tổn thất về công tác cán bộ!

Đi cùng với tổn thất về cán bộ, chúng ta cũng bị thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ngoài số tiền mất mát do tham ô, lãng phí, tiêu cực lên tới hàng nghìn tỉ đồng, đáng buồn hơn còn cả chục dự án nghìn tỉ có “khởi” mà không có khả năng “động”, thậm chí nhiều dự án bị phá sản kéo theo hàng nghìn công nhân, người lao động rơi vào nguy cơ thất nghiệp, hoặc làm việc thất thường, thu nhập bấp bênh, từ đó làm tăng thêm gánh nặng giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Chính vì sự tổn thất về cán bộ, sự thất thoát về kinh tế trong những đại án tham nhũng đã vô hình trung gây ra hệ lụy là làm chậm lại sự phát triển đất nước, hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập quốc dân, năng suất lao động của quốc gia, từ đó làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo, tác động tiêu cực đến mục tiêu thực hiện chính sách công bằng xã hội. Tổn thất này không phải ai cũng dễ nhận ra, nhưng lại là điều đau đớn nhất.

Ba việc không thể chậm trễ

Trở lại câu nói của tiền nhân, chúng ta ắt sẽ “buồn gần” nếu không tiếp tục “biết lo xa” ở tầm cao hơn, tư duy sâu sắc hơn, xắn tay vào thực hiện những công việc cần kíp hơn. Một trong những việc cấp bách hiện nay là phải sớm “vá” những lỗ hổng về cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống luật pháp. Thực tế cho thấy, tham nhũng đôi khi “tác oai, tác quái” trong nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng do bắt nguồn từ cơ chế, chính sách của nước ta thời gian qua vừa chưa đồng bộ, vừa chồng chéo, lại vừa có nhiều nhiều khe hở, thế nên ít “con mèo” nào lại “cầm lòng” được trước cảnh “nồi mỡ” để hớ hênh ngay trước mặt!

Nhưng nguyên nhân sâu xa là do cơ chế kiểm soát quyền lực người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiếu chặt chẽ, cụ thể, không đủ sức ngăn ngừa những biểu hiện vi phạm, sa ngã của cán bộ.

Thời gian qua, ở không ít địa phương, cơ quan, doanh nghiệp,… bí thư cấp ủy, giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên… trở thành “ông vua con” ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đây là những chức danh “siêu quyền lực” mà khi cơ chế giám sát lỏng lẻo, cơ chế kiểm tra đại khái, cơ chế phát huy dân chủ bị bóp méo… đã vô tình tạo ra tiền đề biến họ thành kẻ độc đoán, gia trưởng, đặc quyền, đặc lợi. Khi quyền lực càng cao thì nguy cơ tha hóa nhân cách càng lớn nếu không có một cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh. Điều này đã được đặt ra, cảnh báo từ nhiều năm qua, nhưng tiếc thay, đến nay vẫn chưa có lồng cơ chế để nhốt quyền lực như mong muốn của lãnh đạo Đảng ta.

Thế nên, thông tin mới đây về việc Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị dự thảo chuyên đề “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống chạy chức, chạy quyền” được dư luận hết sức quan tâm. Hy vọng quy chế này sẽ sớm ra đời, đi vào thực tiễn cuộc sống, từ đó tạo cơ sở, tiền đề để ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ, không còn những “ông vua con” trong bộ máy công quyền và trong các doanh nghiệp nhà nước.

Những vụ đại án xét xử tham nhũng trước sau sẽ được xét xử đến nơi đến chốn. Rồi đây những cán bộ tha hóa, biến chất sẽ phải chịu những hình thức xử phạt tương ứng với tội lỗi họ gây ra. Nhưng điều dư luận quan tâm, mong mỏi hiện nay là vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng cần phải được thực hiện ráo riết, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng của những kẻ tham nhũng, cũng là một cách trả lại tài sản đã thấm bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt của hàng triệu người dân lao động chân chính. 

Và nhìn từ những vụ đại án tham nhũng vừa qua, nhắc nhớ lại lời tiền nhân răn dạy “Người không biết lo xa ắt sẽ buồn gần”, thật lòng mong sao những quan chức nào đó ít nhiều đã có biểu hiện “nhúng chàm” mà chưa bị phát hiện thì sớm tự giác gột rửa, đừng để “tay nhơ mặt nhuốc” rồi lại rơi vào thảm cảnh thân bại danh liệt. Thì gương tày liếp của không ít “quan tham” vừa bị “ngã ngựa” vẫn đang sờ sờ trước mắt! Đừng ai quên thấm thía rằng, bàn tay dẫu có lúc cao siêu, tinh vi đến mấy thì đâu cũng đủ khả năng che nổi mặt trời, bởi mặt trời biểu trưng cho ánh sáng công lý, cho sự quang minh chính đại, thế nên “chạy trời không khỏi nắng” vì lẽ ấy!

Thiện Văn

Xét xử ông Đinh La Thăng: Pháp luật nghiêm trị sẽ khiến tham nhũng phải co vòi

Xét xử ông Đinh La Thăng: Pháp luật nghiêm trị sẽ khiến tham nhũng phải co vòi

Chỉ khi “luật pháp bất vị thân” thì mới có thể khiến những con sâu tham nhũng, những con sâu lợi ích nhóm, bè phái, cánh hẩu, rụt cổ, co vòi lại. 

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Từ nước mắt đến... nước mắt

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Từ nước mắt đến... nước mắt

Nhưng, xin hãy bàn rộng ra, không chỉ những giọt nước mắt của những người đang bị luận tội và khép tội. Nước mắt gợi Nước mắt. Từ nước mắt đến Nước mắt. 

Xét xử các vụ đại án tham nhũng: “Cùng tắc biến, biến tắc thông"

Xét xử các vụ đại án tham nhũng: “Cùng tắc biến, biến tắc thông"

Khi người ta ăn hết của “trời cho”, “ăn không từ một thứ gì”, kể cả ăn cắp, thì nền kinh tế còn gì?

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Nghiêm khắc và nhân văn

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Nghiêm khắc và nhân văn

Nếu ai lợi dụng chức quyền để đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật thì trước sau cũng phải chịu sự phán xét nghiêm khắc của pháp luật.