Nho kẹo đỏ Trung Quốc giá rẻ hơn rau
Nho không hạt (nho kẹo đỏ) Trung Quốc đang được rao bán với giá siêu rẻ. Một số tiểu thương bán hàng trái cây ở TP.HCM cho biết trên Tri thức và Cuộc sống, nếu như năm ngoái, nho kẹo đỏ có giá khoảng 45.000-50.000 đồng/kg thì năm nay giá chỉ 25.000-30.000 đồng/kg, rẻ chưa từng có.
Không chỉ nho kẹo có giá rẻ mà tại các chợ, vô số các loại hoa quả nhập từ Trung Quốc được bày bán có giá chỉ từ 15.000-25.000 đồng/kg.
Giá dừa trái tăng gấp đôi
Giá dừa khô tại tỉnh Tiền Giang đã tăng gấp đôi so với vài tháng trước, khiến bà con nông dân trồng dừa rất phấn khởi.
Tại huyện Chợ Gạo - vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, VTV thông tin, thương lái thu mua dừa khô với giá từ 70.000-80.000 đồng/chục (12 trái).
Cây dừa không đòi hỏi công chăm sóc và chi phí đầu tư như những loại cây trồng khác. Vì vậy, với giá bán trung bình từ 50.000 đồng/chục trở lên, nông dân đã có lợi nhuận tương đối ổn định.
Giá đường lên gần 30.000 đồng/kg
Giá đường thế giới trong nước thời gian qua tăng mạnh, cao nhất 12 năm qua. Giá đường trong nước cũng tăng cao.
Theo khảo sát của PV VTC News tại nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội, giá đường cát trắng Biên Hòa bán lẻ đang ở mức 28.000 đồng/kg, đường kính trắng Lam Sơn ở mức 25.000 đồng/kg.
Một lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận xét, dù giá đường trong nước đang tăng mạnh nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng của giá đường thế giới và thuộc loại thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
Cát khan hiếm, giá cao các nhà thầu “ngồi trên đống lửa”
Nguồn vật liệu cát khu vực ĐBSCL đang trong tình trạng khan hiếm, giá tăng vọt đã gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng. Theo VOV, hầu hết nhà thầu đều bị áp lực và ngần ngại tham gia đấu thầu khi nguồn cung của vật liệu cát chưa được cải thiện.
Theo mức giá liên sở của tỉnh Tiền Giang công bố vào tháng 8, tháng 9, tùy theo địa bàn mà giá cát san lấp ở mức dao động từ 200.000-230.000 đồng/mét khối; cát xây dựng từ 255.000-320.000 đồng/khối.
Giá phân bón ''nhảy múa'' khi vào vụ mới
Trước biến động của giá phân bón thế giới, gần đây, các doanh nghiệp trong nước liên tục thông báo tăng giá bán. Chỉ trong 2 tháng qua, giá phân bón đã tăng hơn 35% và dự báo sẽ tiếp tục tăng khi người dân bước vào vụ sản xuất mới.
Ghi nhận của PV Tiền Phong, dù trong giai đoạn thấp điểm tiêu thụ, giá các loại phân bón như Kali, NPK, DAP, SA... vẫn rục rịch tăng khoảng hơn 20% so với thời điểm cuối tháng 6. Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, giá phân bón bị đẩy lên rất cao và có thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm.
Đèn lồng 'hot' trend đang 'làm mưa làm gió' Trung thu năm nay
Những năm gần đây, đồ chơi mang phong cách truyền thống, được làm thủ công hút khách dịp Tết Trung thu. Năm nay, theo Báo Tiền Phong, bên cạnh các mặt hàng không thể thiếu trong dịp này như đèn lồng, đèn ông sao, các hình tượng nhân vật tuổi thơ như chú Tễu, chị Hằng, chú Cuội… thị trường còn xuất hiện những chiếc đèn lồng làm từ giỏ tre, đơn giản, mộc mạc nhưng lại được khách hàng nhiệt tình săn đón.
Chiếc đèn lồng thỏ mini, được làm thủ công bằng chất liệu tre đơn giản, giá chỉ 25.000-30.000 đồng, bất ngờ trở thành cơn sốt trên trên khắp các mạng xã hội như Facebook, Tiktok.
Mực nháy 'cháy' hàng, có tiền cũng chưa chắc mua được
Cuối mùa, sản lượng mực nháy (còn gọi là mực nhảy) thu về tại các nhà bè ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn không đủ cung ứng cho khách dù giá tăng.
Theo Báo Tiền Phong, giá mực Vũng Áng hiện nay khá cao, dao động từ 650.000-800.000 đồng/kg. Ngày lễ có lúc giá lên hơn 1,2 triệu đồng/kg. Dù giá cao nhưng món ăn đặc sản này luôn thu hút khách, có lúc không đủ mực để bán.
Giảm gần 1 triệu đồng/kg, cua hoàng đế vẫn ế khách
So với thời điểm đầu tháng 5, giá cua hoàng đế tại các cửa hàng hải sản nhập khẩu hiện giảm gần 1 triệu đồng/kg, về mức 1,6-1,9 triệu đồng/kg tuỳ loại. Tuy nhiên, sức mua giảm đáng kể so với mọi năm.
Tuy giá không đắt nhưng khách mua ăn không tăng, thậm chí còn giảm so với cùng kỳ những năm trước. Kinh tế khó khăn, mọi người đều đắt chặt chi tiêu. Chưa kể, hiện cũng vào mùa đánh bắt tôm hùm Alaska, chất lượng thịt tươi ngon, giá lại rẻ nên khách cũng ưu tiên mua tôm ăn. (Xem thêm)
Vé máy bay Tết giá cao ngất ngưởng
Các hãng hàng không vừa thông báo mở bán vé máy bay Tết, dù chưa đến Rằm tháng 8. Tuy vậy, một số chặng đông khách giá vé đã cao ngất ngưởng.
Cao điểm căng thẳng về giá vé rơi vào giai đoạn từ 4-8/2/2024, tức 25-29 Tết chiều từ TP.HCM ra Hà Nội và từ 13-22/2/2024, tức mùng 4 Tết đến gần sát Rằm tháng Giêng chiều Hà Nội vào. Giá vé máy bay Tết chặng này dao động từ 4,8-5,8 triệu đồng khứ hồi (đã gồm thuế phí) của Vietjet Air; các hãng còn lại gồm Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines giá vé lên tới 7 triệu đồng. (Xem thêm)
Tỷ giá tăng, hàng điện tử cũng rục rịch tăng giá
Tuy sức tiêu thụ hàng điện tử, điện lạnh đang giảm sâu, tồn kho lớn nhưng một số mặt hàng không giảm giá nhiều, thậm chí có xu hướng tăng lên do tỷ giá tăng.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên phân phối hàng điện tử, điện lạnh tại TP.HCM xác nhận trên báo Người Lao Động, từ đầu tháng 9/2023, các mặt hàng tivi, máy giặt, tủ lạnh đã tăng giá 200.000-300.000 đồng/sản phẩm. Riêng mặt hàng máy lạnh hiện vẫn chưa tăng giá do nguồn hàng tồn quá lớn.