Trong ba tháng kết thúc ngày 30/7, Nvidia mang về 13,51 tỷ USD, thiết lập kỷ lục mới cho công ty. “Kỷ nguyên điện toán mới đã bắt đầu. Doanh nghiệp toàn cầu đang chuyển từ mục đích chung sang điện toán tăng tốc (sử dụng phần cứng để tăng tốc tính toán) và AI tạo sinh”, Jasen Huang, nhà sáng lập kiêm CEO Nvidia, cho biết trong thông báo.
Ông Huang tiết lộ, nhu cầu đối với các sản phẩm của Nvidia vô cùng lớn và công ty sẽ mở rộng công suất sản xuất. Nguồn cung sẽ tăng mạnh trong phần còn lại của năm 2023 và năm sau.
Phần lớn nhu cầu chip AI đến từ Trung Quốc, ngay cả khi Mỹ đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm vào nước này. Nvidia chia sẻ, người mua Trung Quốc chiếm từ 20% đến 25% doanh thu sản phẩm trung tâm dữ liệu. Tổng cộng, các sản phẩm trung tâm dữ liệu đóng góp 10,32 tỷ USD, tăng 171% so với quý II/2022.
Các ông lớn Internet Trung Quốc đang chạy đua giành giật chip Nvidia hiệu suất cao. Theo tờ Financial Times, đơn hàng của họ đạt 5 tỷ USD trước nỗi lo Mỹ tiếp tục siết chặt lệnh cấm xuất khẩu.
Tháng 9/2022, Washington công bố lệnh cấm xuất khẩu mới nhằm vào vi xử lý đồ họa (GPU) cao cấp và bộ xử lý tăng tốc AI dùng trong điện toán hiệu suất cao tại Trung Quốc. Động thái được xem là nhằm hạn chế hơn nữa những tiến bộ công nghệ và quân sự của Trung Quốc.
Sau khi việc bán chip AI A100 và H100 bị ảnh hưởng do lệnh cấm, Nvidia bắt đầu bán chip A800 và H800 thấp cấp hơn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ được cho là đang cân nhắc siết hạn chế xuất khẩu hơn nữa để Nvidia không bán được chip AI cho khách hàng Trung Quốc.
Theo Giám đốc tài chính Nvidia Colette Kress, nếu điều đó thành hiện thực, nó sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến kết quả kinh doanh của hãng. Về lâu dài, các hạn chế sẽ khiến ngành công nghiệp Mỹ đánh mất vĩnh viễn cơ hội cạnh tranh và dẫn đầu tại một trong các thị trường lớn nhất thế giới.
Một ông lớn chip khác của Mỹ là Intel mới đây cũng thông báo tăng gấp bốn lần dịch vụ đóng gói chip cao cấp vào năm 2025, với một nhà máy mới tại Malaysia nhằm lấy lại vị thế dẫn đầu toàn cầu trong sản xuất bán dẫn.
Nhà máy tại Penang sẽ là cơ sở nước ngoài đầu tiên của Intel sử dụng công nghệ đóng gói chip 3D Foveros. Ngoài ra, công ty còn đang xây dựng một dây chuyền lắp ráp và kiểm tra chip mới tại Kulim.
Công nghệ đóng gói chip tiên tiến kết hợp nhiều loại chip vào trong một gói để tăng sức mạnh tính toán và giảm tiêu thụ năng lượng. Theo Phó Chủ tịch Robin Martin, Malaysia sẽ trở thành cơ sở đóng gói chip 3D lớn nhất của Intel.
Trước đây, đóng gói chip được xem là không quan trọng và nhu cầu kém hơn sản xuất chip. Dù vậy, nó nổi lên như một lĩnh vực quan trọng trong cuộc đua sản xuất chip hiện nay, đặc biệt được quan tâm hơn do sự bùng nổ AI tạo sinh.
Thị trường đóng gói chip tiên tiến trị giá 44,3 tỷ USD năm 2022, theo hãng nghiên cứu Yole Intelligence và dự kiến tăng 10,6% mỗi năm lên 78,6 tỷ USD năm 2028. Chuyên gia bán dẫn Mark Li nhận xét, chất xúc tác mới nhất chủ yếu đến từ những con chip xử lý mô hình ngôn ngữ lớn cho AI.
(Theo Nikkei)