Thông tin nêu trên vừa được ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ của FPT cho biết trong chương trình giao lưu trực tuyến “Bứt phá sự nghiệp thời 4.0 với công nghệ AI” vừa được Đại học trực tuyến FUNiX tổ chức ngày 21/8/2019.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ của FPT (Ảnh: FUNiX) |
Trao đổi tại buổi giao lưu trực tuyến “Bứt phá sự nghiệp thời 4.0 với công nghệ AI”, đánh giá về cơ hội thành công của ngành AI ở Việt Nam, ông Lê Hồng Việt cho biết, theo báo cáo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, AI tại Việt Nam iện mới chỉ tập trung phát triển ứng dụng ở lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ truyền thông, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ. Còn một số lĩnh vực nhiều tiềm năng khác như vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, du lịch, giáo dục… vẫn còn ít người khai phá.
Tuy nhiên, Giám đốc Công nghệ FPT cũng chỉ rõ thách thức lớn nhất khi triển AI tại Việt Nam chính là rào cản trong tư duy của mọi người về AI. Nhiều người vẫn cho rằng công nghệ này có hại ở khía cạnh thay thế con người, cắt giảm nhân lực lao động. Nhưng thực tế các công ty lớn trên thế giới đều đi theo hướng dùng AI để bổ sung cho năng lực mà con người còn hạn chế, không làm được hoặc không muốn làm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thực giá trị của AI để theo đuổi.
Cùng với đó, theo ông Việt, đội ngũ chuyên gia AI tại Việt Nam cũng đang khá khan hiếm. Trên toàn cầu hiện có khoảng 22.000 nhà khoa học về AI và phần lớn tập trung ở các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc. Số lượng còn lại ít ỏi không thể đáp ứng nổi nhu cầu của các nước như Việt Nam. Để trở thành chuyên gia AI, họ còn phải trải qua một quá trình tu nghiệp rất dài và thường mang học hàm tiến sĩ trở lên. “FPT may mắn là có đội ngũ khá chất lượng, nhưng vẫn cần đào tạo thêm để đáp ứng đủ nhu cầu”, ông Việt chia sẻ thêm.
Theo Giám đốc Công nghệ FPT, tập đoàn công nghệ này đặc biệt quan tâm và đầu tư rõ nét vào lĩnh vực AI từ việc xây dựng nhân sự cho đến thực hiện các công tác đào tạo (Ảnh minh họa) |
Ông Việt cũng cho biết, trong bối cảnh AI còn rất nhiều tiềm năng phát triển, FPT nhận ra đây là cơ hội lớn. FPT đặt kế hoạch tiên phong trong ngành trí tuệ nhân tạo và dẫn đầu tại Việt Nam. Từ 6 năm nay, FPT đã thực hiện đầu tư nghiên cứu và phát triển AI. Đến nay, công nghệ AI của FPT trải rộng ở khá nhiều mảng, nhưng mạnh nhất là ở 4 mảng: xử lý ngôn ngữ, thị giác máy tính, tổng hợp và nhận diện giọng nói, và hệ tri thức số hóa.
“Ngoài việc ứng dụng AI vào các giải pháp và sản phẩm, định hướng tầm trung của tập đoàn là xây dựng một nền tảng dịch vụ AI đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, FPT kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành thương hiệu được công nhận trong cộng đồng AI quốc tế”, ông Việt chia sẻ.
Một lần nữa nhấn mạnh FPT đặc biệt quan tâm và đầu tư rõ nét vào lĩnh vực AI từ việc xây dựng nhân sự cho đến thực hiện các công tác đào tạo, ông Việt dẫn chứng, tại trường Đại học FPT cũng có các chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo. Riêng về tuyển dụng, FPT có nhu cầu lớn để tuyển dụng các chuyên gia trong ngành AI, với các gói thu nhập cao hơn hẳn so với mặt bằng chung từ 30 - 50%.
Giám đốc FUNiX Phan Phương Đạt và Giám đốc Công nghệ tập đoàn FPT Lê Hồng Việt cùng đại diện hai bên tại buổi ký kết hợp tác chiến lược ngày 14/8 về phối hợp đào tạo và tuyển dụng (Ảnh: FUNiX) |
Bên cạnh việc triển khai hàng loạt hoạt động hợp tác với cộng đồng, startup và các đơn vị khác trong lĩnh vực AI, FPT cũng đã đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tổ chức các bộ phận để nghiên cứu riêng về AI. Ngoài ra, FPT còn thực hiện công tác xếp hạng cán bộ công nghệ và những cán bộ công nghệ, trong đó có chuyên gia AI được xếp hạng sẽ có chế độ đãi ngộ riêng.
Thông tin thêm về định hướng phát triển nhân lực ngành AI tại FPT, ông Việt nêu, một mặt FPT tuyển dụng nguồn nhân lực các chuyên gia. Tuy nhiên, nhận định số lượng nhân lực AI đang có tại Việt Nam sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên FPT đã có những ngành tập trung sâu về đạo tạo để tạo ra nguồn nhân lực trong tương lai.
“Cụ thể, chúng tôi phối hợp với các trường đại học để đào tạo các Tiến sĩ toàn thời gian chuyên ngành AI. Ngoài ra còn có các hoạt động đào tạo nghề cho các kỹ sư muốn chuyển sang hoạt động liên quan đến AI. Các khóa công nghệ cao của xSeries – FUNiX cũng là một chương trình đào tạo có thể cung cấp nguồn lực cho FPT”, ông Việt nói.
Theo các chuyên gia, AI được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức doanh nghiệp. Theo các dự báo, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2019, 40% các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số sẽ sử dụng công nghệ AI.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong khoảng 30 năm tới, AI sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ xã hội và sinh hoạt của con người, tiến tới biến đổi thế giới một cách mạnh mẽ. Trên thế giới, đầu tư vào AI liên tục tăng, từ 415 triệu USD (năm 2012), lên 5 tỷ USD (năm 2017) – tăng gấp đôi sau mỗi năm. Cuộc chạy đua của các đế chế khổng lồ như Facebook, Google, Microsoft… đang tạo ra cơn khát lực lượng chuyên môn cao về AI. Sinh viên AI được nhiều tập đoàn săn đón với dự án triệu đô kèm lời mời mức lương khủng từ năm nhất đại học.
Ở Việt Nam, nghiên cứu mới công bố của TopDev chỉ ra rằng, hơn 73% công ty công nghệ đang có ý định ứng dụng AI vào các sản phẩm của mình. Điều này cũng khiến cho nhu cầu về các kỹ sư AI hiện cũng đang ở mức báo động. Mức lương của một kỹ sư AI ở Việt Nam hiện tại có thể lên đến 520 triệu đồng/năm. Dự báo 5 đến 10 năm nữa, ngành khoa học này sẽ phát triển lên tới đỉnh cao.