Hội nghị “Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Liên kết cùng phát triển Cà Mau 2023” là dịp để nhiều chủ thể OCOP tại tỉnh Cà Mau “dốc bầu tâm sự” về những “bài toán khó” của mình.

Cần hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ

Ông Bùi Việt Tân, đại diện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn ở U Minh cho biết: Hiện công ty đang sở hữu hơn 200ha rừng có sản lượng mật ong rất lớn, đang tập hợp được khá đông hội viên của nghề gác kèo ong. 

anh bai 9.jpg
Ông Bùi Việt Tân chia sẻ câu chuyện của mình tại hội nghị. 

“Với hơn 20 năm trưởng thành và phát triển trong nghề ong, chúng tôi đã có sản phẩm được công nhận OCOP. Tuy nhiên, mật ong của công ty cũng như mật ong Cà Mau nói chung dù có uy tín lớn trên thị trường nhưng về mặt pháp lý và các thủ tục khác vẫn còn hạn chế. Cho tới thời điểm hiện tại, những đơn hàng lớn chúng tôi đều còn vướng mắc về giấy tờ thủ tục, khoa học công nghệ, việc bảo quản sản phẩm mật ong có hạn chế nhất định. Thông qua hội nghị, nhờ lãnh đạo các cấp và các đơn vị khoa học công nghệ cung cấp các giải pháp liên quan vấn đề xử lý để bảo quản, nâng cao chất liệu mật ong”, ông Tân bày tỏ.

Cũng theo ông Tân, U Minh hiện có hơn 30.000 ha tràm, sản lượng mật ong ước tính hơn 20.000 tấn. Tuy nhiên, toàn tỉnh Cà Mau hiện mới chỉ có 2 sản phẩm mật ong được công nhận OCOP.

“Trên thị trường đang có nhu cầu khá lớn về sản phẩm mật ong chất lượng cao, đặc biệt là mật ong từ hoa và mật ong đạt tiêu chuẩn mật ong hữu cơ. Song hàng năm công ty chúng tôi chỉ thu gom từ những người trong nghề ghép tổ ong được khoảng 500 – 1.000 lít. Sản lượng lớn mật ong Cà Mau có chất lượng vẫn đưa ra thị trường thông qua nhiều kênh khác, rất lãng phí tiềm năng của Cà Mau. Vấn đề này cần có sự quan tâm của các lãnh đạo và các nhà phân phối”, ông Tân khuyến nghị.

Mức chiết khấu của siêu thị quá cao

“Chỉ riêng con tôm chúng tôi đã có 10 sản phẩm OCOP. Với thị trường trong nước thì các hợp tác xã chúng tôi đảm bảo nguồn cung 3 – 5 tấn tôm khô/tháng là chuyện bình thường. Hơn 10 – 20 tấn tôm khô ra nước ngoài thì mới ngại”, ông Đỗ Huy Bùi Quang Trương, Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi cho biết.

“Bài toán khó” của ông Trương và Hợp tác xã Thắng Lợi là tình trạng các siêu thị, nhà thu mua đưa ra mức chiết khấu quá cao đối với các chủ thể OCOP.

“Dân Cà Mau làm ra sản phẩm chất lượng thì giá cao, bán lợi nhuận chưa nhiều, nhà thu mua ví dụ siêu thị T&H kết nối với chúng tôi đưa ra mức chiết khấu tới 36%, cộng với thuế 8% là hơn 40%. Chúng tôi còn gì để sống, nên không thể cung cấp được”, ông Trương than thở.

Với mong muốn sản phẩm OCOP của mình có mặt trong siêu thị để có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trên thị trường, Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi bày tỏ các siêu thị, nhà thu mua xem xét mức chiết khấu có lợi hơn cho nhà sản xuất.

Và những câu chuyện dài

Ghi nhận phản ánh từ thực tiễn của các chủ thể OCOP, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử lưu ý đây là những câu chuyện dài kỳ.

Ông Sử cũng đặt ra một vài vấn đề cần suy nghĩ thấu đáo hơn nữa từ chính các chủ thể OCOP.

Thứ nhất, các chủ thể OCOP còn ngại làm các thủ tục cần thiết để chứng minh chất lượng sản phẩm OCOP. Đây là việc khó với những người sản xuất nhỏ lẻ. 

Thứ hai là khó khăn trong thủ tục thanh toán, đặc biệt là chi phí gối đầu. “Khi mua bán, thanh toán chậm là chuyện bình thường, nhưng với các chủ thể thì lại là khó khăn lớn vì vốn ít, nếu gối đầu nhiều thì hết vốn, không làm được. Chúng tôi sẽ gửi câu chuyện này tới các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tìm hướng giải quyết”, ông Sử phân tích.

Thứ ba, năng lực sản xuất của chủ thể OCOP còn thấp, khách hàng đặt mua với sản lượng lớn thì không đáp ứng nổi.

Vân Anh và nhóm PV, BTV