Ảnh: NBC

Cách làm mát cổ truyền được kiểm nghiệm qua năm tháng

Hãng tin NBC News dẫn lời khuyên đã được kiểm nghiệm qua thời gian về cách giữ mát không cần điện hay điều hòa nhiệt độ của những người sống ở các vùng khí hậu nóng bức. Theo đó, một số người nói họ ngủ trên sàn nhà, nơi bề mặt gạch giữ nhiệt ít hơn hoặc trải chiếu tre quanh nhà với lý do tương tự. Một số khác khuyên chỉ quấn xà rông, ăn thức ăn lạnh theo mùa. 

Mehr Singh, một phụ nữ lớn lên ở New Delhi cho biết, ở Ấn Độ trời thường nóng gắt và việc cắt điện diễn ra thường xuyên buộc cô phải nghĩ ra một số mẹo vặt để làm mát. Mehr cho biết cô mặc áo phông ẩm đi ngủ, để nhiều quạt ở dưới sàn nhà và thường xuyên tắm bằng nước lạnh. 

Tránh nắng dưới hầm trú ẩn ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đối với Karlin Chan, một người Mỹ gốc Hoa, giải pháp giữ mát cho cơ thể vào mùa nắng nóng chính là chế độ ăn uống. "Ăn đồ cay... Tôi lớn lên ở New York và thường không ăn đồ cay trừ những tháng mùa hè. Tôi thấy rằng những người sống ở vùng khí hậu nóng ẩm quanh năm thường ăn cay, vì thế tôi đã thử nó từ cách đây 10 năm...chủ yếu là đồ ăn của Ấn Độ, Malaysia và Singapore. Nó giúp đối phó với cái nóng". Các nghiên cứu cho thấy, đồ ăn cay được tiêu thụ ở hầu hết các quốc gia nắng nóng

Theo chuyên gia về khí hậu, nhà cố vấn của Liên Hợp Quốc Saad Amer, việc nhỏ một chút nước lên mỗi cổ tay để giúp làm mát cơ thể thông qua các tĩnh mạch là thói quen phổ biến ở một số nơi. 

Giải pháp làm mát đơn giản khi không có điện hay điều hòa nhiệt độ

Khi biến đổi khí hậu làm nhiệt độ trái đất ấm lên và ngày càng có nhiều người dựa vào điều hòa không khí tiêu tốn nhiều năng lượng để giữ mát thì các giải pháp làm mát thụ động và việc thiết kế nhà cửa cho thông thoáng ngày càng được chú ý. 

Theo DW, ở vùng khí hậu Địa Trung Hải, việc sống sót qua cái nóng khắc nghiệt có thể rất đơn giản như mở cửa sổ vào ban đêm để đón không khí mát mẻ hay tận dụng bóng râm.

Alexandra Rempel, trợ lý giáo sư về môi trường tại Đại học Oregon, Mỹ cho biết, nghiên cứu cho thấy chỉ riêng hệ thống thông gió tự nhiên và che nắng có thể làm giảm nhiệt độ trong nhà tới 14 độ C và giảm tải cho máy điều hòa không khí tới 80%. 

Thiết bị đón gió được lắp đặt tại tòa nhà ở Iran. Ảnh: DW

Tại Bắc Phi và Trung Đông, việc làm mát thụ động như lắp đặt thiết bị đón gió vào các tòa nhà đã giúp giảm nhiệt tốt. Ngoài ra, việc lắp đặt các thiết bị che nắng để ngăn ánh nắng mặt trời, kính hai lớp hạn chế lượng nhiệt thu vào hoặc thất thoát qua cửa sổ, thiết lập đài phun nước làm giảm nhiệt độ cũng được áp dụng. 

Theo một nghiên cứu của Đại học Anh tại Dubai, các tòa nhà dân cư ở Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất có thể giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng hàng năm thông qua việc sử dụng hệ thống làm mát thụ động.