Như GameSao đã liên tục thông tin tới độc giả trong thời gian qua, Đấu Trường Máy Tính 2020: Arena of Masters - VALORANT Tournament đã đi đến hồi kết vào cuối tuần qua sau một tháng rưỡi tranh tài.

Khác với bảy mùa trước đó, Intel đã quyết định lựa chọn một tựa game hoàn toàn mới để tổ chức giải đấu online nhằm “tiếp nối mục tiêu của Đấu Trường Máy Tính là gây dựng cộng đồng game thủ và tìm kiếm các tài năng trẻ của nền esports Việt Nam” - trích lược thông cáo báo chí.

VALORANT Tournament là giải đấu VALORANT quy mô nhất Việt Nam với tổng giá trị giải thưởng đạt 170 triệu đồng tạo ra sân chơi lành mạnh cũng như mở ra cơ hội thể hiện bản thân cho những game thủ đang muốn đi theo con đường chuyên nghiệp.

Dưới đây là những điểm nhấn đáng chú ý nhất tính từ Vòng Tứ kết VALORANT Tournament, nơi quy tụ 10 teams mạnh nhất giải đã được tuyển chọn từ Vòng Loại.

Team mạnh nhất

Đó chắc chắn là DivisionX Gaming, nhà vô địch của giải đấu đã ẵm trọn 50 triệu đồng tiền thưởng. Hủy diệt PCM Revolution với tỉ số 3-0 ở loạt Best-of-Five (Bo5) ở trận “Chung kết trong mơ” vào hôm 04/10 vừa qua, DXG đã khẳng định họ là team VALORANT số một Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Không chỉ toàn thắng cả chín trận tính từ Vòng Loại VALORANT Tournament, DXG còn phá “dớp” toàn thua PCM Revolution trong các trận Chung kết ở cả hai bộ môn Counter-Strike: Global Offensive lẫn VALORANT.

Player hay nhất

Huyz, player của DXG tỏa sáng rực rỡ ở Vòng Tứ kết và Chung kết, đã vinh dự nhận được danh hiệu MVP VALORANT Tournament cùng 10 triệu đồng tiền thưởng từ BTC Intel.

Theo thống kê của trang thespike.gg, Huyz dẫn đầu về hệ số K/D/A (160/113/49) và cả số lần đoạt multikills (43 - ngang bằng với FOG của PCM Revolution). Tính riêng trong màn tranh chấp ngôi vương, Huyz đã ghi tới 52 kills - vượt trội so với chín players còn lại.

Huyz chỉ pick duy nhất Cypher từ Vòng Tứ kết và là player có chỉ số ACS cao thứ tư tại giải, 257.

Cặp đấu “hot” nhất

Không bất ngờ khi Chung kết giữa DXG vs PCM Revolution lại là trận đấu nhận được nhiều sự quan tâm nhất tại VALORANT Tournament. Theo số liệu từ BTC cung cấp, màn so tài giữa những “cao thủ” FPS Việt Nam đã thu hút 180,236 lượt xem và có thời điểm đạt 7,248 người xem cùng lúc.

Đáng tiếc là fan hâm mộ đã không được chứng kiến một màn so tài hấp dẫn và kịch tính đúng như kỳ vọng giữa hai teams bất bại từ đầu giải.

Drama nhất

Từ hai teams trẻ được đánh giá là giàu tiềm năng tạo “địa chấn”, Trầm Cảm Team và Space Cheaters đã để lại ấn tượng xấu trong mắt khán giả theo dõi VALORANT Tournament.

Trong cuộc đối đầu với Space Cheaters ở Ngày 2, nơi mà cả hai teams đều rất cần chiến thắng để nuôi hy vọng mong manh đi tiếp, Trầm Cảm Team lại để thua 10-13 sau màn rượt đuổi tỉ số.

Vừa bị loại, Trầm Cảm Team còn bị cảnh báo về “thái độ thi đấu không nghiêm túc” do thường xuyên sử dụng dao hoặc không thể hiện được tính cạnh tranh lành mạnh - theo lý giải của BTC VALORANT Tournament.

Vụ việc của Trầm Cảm Team chưa qua thì tới lượt player Tobi#1412 của Space Cheaters để lại “dấu ấn khó phai mờ”. Ngay sau khi hoàn tất Vòng Tứ kết khi chỉ thắng được ¼ trận tại Bảng B, Tobi đã tìm cách giải tỏa trong đấu rank.

 

Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như player sinh năm 2004 không công khai toxic trong group có gần 60,000 thành viên và gọi VALORANT là “game rác”. Ngay lập tức, BTC VALORANT Tournament đã đưa ra quyết định cảnh cáo Space Cheaters và cấm Tobi không được tham gia các giải đấu chính quy trong vòng sáu tháng.

Dù đại diện cả hai bên đã đưa ra lời xin lỗi nó vẫn chưa đủ để rửa sạch “phốt”.

Trầm Cảm Team và Space Cheaters đều là hai teams trẻ nên họ có những hành động bộc phát không lường được trước hậu quả. Cộng đồng có phát triển được hay không đều nhờ vào đóng góp của các teams nói chung và từng player nói riêng. Mọi hành động của các bạn ảnh hưởng đến cộng đồng dù ít hay nhiều. Hãy suy nghĩ cho kĩ trước khi định làm điều gì”, FrostLi, đội trưởng của DXG, bình luận vụ việc.

 

Player “kinh tế” nhất

Cũng theo thespike.gg, DucT của The Savior là player có chỉ số ECON cao nhất giải với 93. Xếp ngay sau DucT là người đồng đội Nizzy với 80.5.

Nếu chưa biết ECON Rating là chỉ số cho thấy bạn đã gây ra được bao nhiêu sát thương so với số tiền đã bỏ ra mua sắm trang bị trong mỗi round đấu. Và nó cũng cho thấy các players của The Savior biết cách tối ưu hóa lượng tiền thành lợi thế ở mỗi round đấu.

Đáng tiếc là The Savior đã không thể vượt qua “Bảng Tử Thần” tại Vòng Tứ kết dù đã có khởi đầu đầy hứa hẹn với hai trận toàn thắng.

Agent được tin dùng nhất

Đó là trường hợp của Cypher, agent đã hiện diện trong 51 maps và chiếm tới 94.4% pick rate. Với win rate xếp thứ ba (52.9%) chỉ sau lần lượt Omen (57.9%) và Jett (54.8%) là đủ để hiểu Cypher đang thống trị meta hiện tại.

Các players thừa hiểu điều đó và họ đã biến Cypher trở thành một không thể thiếu trong mọi đội hình dù có thi đấu trên map nào đi chăng nữa.

Agent tệ hại nhất

Ngoại trừ Killjoy bị vô hiệu hóa từ đầu giải thì Viper là agent được pick ít nhất do các teams thừa nhận cô nàng quá yếu và rất khó thích ứng trong nhiều đội hình.

Đáng buồn là trong cả hai lần hiếm hoi được pick, lần lượt Trầm Cảm Team và Far East Society đều phải nhận “trái đắng”.

Có win rate 0% tại VALORANT Tournament, chắc chắn Riot Games sẽ cần phải ưu ái Viper hơn ở những bản vá trong tương lai gần bởi đợt buff trong Patch 1.09 là không đủ.

Đội hình “tín” nhất

Hai teams lựa chọn đội hình giống hệt nhau ở cả ba maps đấu tại Chung kết VALORANT Tournament

Chắc chắn đây là những cái tên phù hợp nhất ở từng vai trò trong meta hiện tại gồm Cypher-Jett-Sova-Breach-Omen. Điều này đã được chứng minh trong trận đấu cuối cùng và quan trọng nhất tại VALORANT Tournament bởi cả DXG lẫn PCM Revolution đều tin tưởng tuyệt đối vào năm cái tên kể trên ở cả ba maps đấu.

Map được pick nhiều nhất

Trong số bốn maps hiện hành, Bind được đưa vào thi đấu nhiều nhất từ Vòng Tứ kết VALORANT Tournament với 10/27 xuất hiện.

Theo đánh giá của các casters, Bind đem lại tỉ lệ thắng gần như cân bằng giữa bên tấn công và phòng ngự nhờ diện tích rộng, có nhiều yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên, thống kê của thespike.gg lại chỉ ra rằng bên công có lợi hơn hẳn với win rate đạt 57.14%.

Sau Bind, Ascent và Split cùng được sử dụng sáu lần. Xếp cuối là Haven với năm lần.


Arena Of Masters là giải đấu online nằm trong khuôn khổ của Đấu Trường Máy Tính 2020. Sự kiện thường niên do Intel cùng các đối tác công nghệ hàng đầu như AOC, Asus, Corsair, Dell, E-Dra, HP, LG, Philips, Seagate, ViewSonic tổ chức nhằm đem tới cho cộng đồng game thủ và những người yêu thích công nghệ một môi trường thi đấu chuyên nghiệp. 

Gamer