- Trong phần thẩm vấn, đại diện Ngân hàng Nam Việt (Navibank) và Ngân hàng Á Châu (ACB) đều thừa nhận đã thông qua nhân viên gửi hàng trăm tỷ đồng vào Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) để hưởng lãi suất. Toàn bộ số tiền trên đã bị Huyền Như chiếm đoạt.

Vụ Huyền Như: Bỏ sót hàng chục tỷ đồng bị chiếm đoạt?

HĐXX cho biết trong vụ án Huyền Như một số bị cáo còn ký các hợp đồng tiền gửi giả sau đó đem thế chấp vay tiền, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng nhưng quá trình điều tra đã bỏ sót, để lọt hành vi này.

Trong phần xét hỏi sáng nay, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các vấn đề liên quan đến quá trình Huyền Như chiếm đoạt tiền của hai ngân hàng được cấp sơ thẩm xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Đó là Navibank và ACB.

Vay tiền ngân hàng gửi…ngân hàng

Theo bản án sơ thẩm, thông qua Đoàn Đăng Luật (Trưởng phòng nguồn vốn Navibank), từ tháng 11/2010 đến tháng 5/2011, bị cáo Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè) đã huy động của Navibank thông qua 14 cá nhân là nhân viên ngân hàng này đứng tên để gửi hơn 1.540 tỷ đồng vào Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè. Tháng 7/2011, còn lại là 500 tỷ đồng và chưa đến hạn quyết toán.

{keywords}

Huỳnh Thị Huyền Như trước vành móng ngựa

Lúc này, Võ Anh Tuấn chuẩn bị chuyển công tác nên nói Đoàn Đăng Luật gặp Huỳnh Thị Huyền Như để chuyển số tiền này gửi vào Vietinbank - chi nhánh TP.HCM. Do đang “khát” tiền để trả nợ nên Như đã đồng ý thỏa thuận với Luật nhận tiền gửi tổng cộng 500 tỷ đồng của Navibank với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm chưa kể khoản lãi suất ngoài hợp đồng.

Như cũng không báo cáo lãnh đạo cấp trên về những khoản phải trả ngoài hợp đồng mà Như đã thỏa thuận. Đến ngày 07/9/2011, Như đã tất toán 12 hợp đồng số tiền 300 tỷ, còn lại 6 hợp đồng với tổng số tiền 200 tỷ đồng Như chiếm đoạt.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, đại diện Navibank xác nhận có 6 hợp đồng tiền gửi chưa được tất toán với tổng số tiền là 200 tỷ đồng, do 4 nhân viên của Navibank là Huỳnh Linh Chi, Nguyễn Cao Thùy Anh, Lương Thị Việt Tiên và Lê Thị Thu Hương đứng tên ký với Vietinbank – chi nhánh TP.HCM do bà Nguyễn Thị Minh Hương làm đại diện. Navibank cũng cho biết trước khi vụ án được khởi tố, Navibank hoàn toàn không biết việc mất tiền.

HĐXX quay sang đặt câu hỏi với vị đại diện cho 4 nhân viên Navibank có đơn kháng cáo. Tòa hỏi 4 cá nhân trên yêu cầu trả tiền cho Navibank hay cho 4 nhân viên đứng tên gửi tiền này? Lúc này, vị đại diện đề nghị HĐXX xem xét.

Chủ tọa hỏi tiếp vậy theo ông giữa Navibank và Vietinbank có giao dịch nào không trong khi toàn bộ số tiền mà Navibank cho rằng mình bị thiệt hại lại không phải do Navibank đứng tên gửi mà là 4 nhân viên. Người này trả lời là “không”.

Tòa hỏi tiếp: “Giữa Navibank và Vietinbank không có giao dịch. Vậy tại sao trong đơn kháng cáo của 4 cá nhân ủy quyền cho ông lại yêu cầu trả tiền cho Navibank?” – “Vì đó là tài sản hợp pháp của họ”. “Nếu là tài sản hợp pháp của họ thì họ phải đòi trả lại cho họ chứ?”. Từ đó, HĐXX cho rằng có gì đó “không bình thường”.

Để làm rõ hơn, HĐXX mời đại diện Navibank lên hỏi: “Tòa đề nghị đại diện Navibank cho biết 12 hợp đồng Vietibank đã tất toán là của Navibank hay nhân viên của Navibank?” - “Của nhân viên”.

“Vậy sao Navibank lại kháng cáo đòi trả lại tiền cho mình?” – “Vì số tiền mà các nhân viên gửi là do họ vay của Navibank”.

“Nếu họ vay thì đó là quan hệ dân sự khác không liên quan đến vụ án này, Navibank kiện bên vay đòi tiền chứ sao lại đòi Vietinbank?”. Lúc này, đại diện Navibank không đưa ra được câu trả lời.

Sau đó, HĐXX phân tích để thấy sai phạm của lãnh đạo Navibank khi thực hiện chủ trương giao tiền cho nhân viên dưới hình thức hợp đồng cho vay giả tạo để các nhân viên đem gửi vào Vietinbank. Tại tòa, đại diện Navibank cũng thừa nhận do bối cảnh lúc đó nguồn tiền huy động thừa nên mới giao nhân viên gửi để hưởng lãi.

ACB có được đòi tiền?

Theo bản án sơ thẩm, thông qua Huỳnh Bảo Ngọc, Phó phòng quản lý quỹ Ngân hàng ACB, Huỳnh Thị Huyền Như đã huy động của ACB hơn 1.101 tỷ đồng do 21 nhân viên của ngân hàng này đứng tên. Đến nay, đã quyết toán 382,5 tỷ đồng, còn lại 718,9 tỷ đồng Như chiếm đoạt.

{keywords}

Các luật sư tại tòa

Đại diện ACB khai trước tòa đây là số tiền mà ngân hàng đã ủy thác cho 19 nhân viên đem gửi ở Vietinbank tại hai chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM. Khi tòa hỏi thời gian hợp đồng ủy thác phát sinh và kết thúc khi nào, người này cho biết chỉ hết hiệu lực khi nhân viên hoàn trả hết lại tiền đã được ủy thác.

HĐXX đặt ra rằng có phải do pháp luật ngân hàng quy định tiền gửi tiết kiệm là chỉ giành cho cá nhân chứ không phải pháp nhân, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn lãi suất tiền gửi tại tài khoản thanh toán nên ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền của mình vào Vietinbank theo hình thức tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn không? Đại diện ACB im lặng.

Tòa cũng đặt câu hỏi: “Có điều khoản nào của hợp đồng ủy thác tiền gửi quy định ACB được hỏi Vietinbank không, có thể hiện mối quan hệ giữa ACB và Vietinbank không?” – “Không”, đại diện ACB trả lời.

Tòa hỏi, tại sao một số hợp đồng ủy thác đã bị đóng dấu “hủy”, có phải vì pháp nhân không được mở tài khoản tiết kiệm nên ACB phải ủy thác cho nhân viên, ngay sau khi nhân viên gửi tiền xong thì hủy luôn những hợp đồng này để “xóa” bằng chứng sai phạm không? Đại diện ACB khẳng định hoàn toàn không có chuyện các hợp đồng ủy thác cho nhân viên đã bị hủy.

Từ câu trả lời trên, tòa “vặn”: “Nếu hợp đồng chưa bị hủy thì theo pháp luật dân sự khi mất tiền, ACB phải kiện bên nhận ủy thác tức là các nhân viên của mình không hoàn thành nghĩa vụ nhận ủy thác để đòi tiền chứ sao lại cho rằng Vietinbank phải trả tiền?”.

Trước câu hỏi trên, đại diện ACB không trả lời. HĐXX cũng chỉ ra rằng chính vì chủ trương trên mà dàn lãnh đạo ACB (trong đó có bầu Kiên) đã phải hầu tòa về tội “cố ý làm trái”. Như vậy, có thể thấy rằng việc thông qua nhân viên gửi tiền vào ngân hàng khác nhằm hưởng lãi suất là một “chiêu” nguy hiểm của các ngân hàng trên.

Trước đó, nghe Huyền Như khai về thủ đoạn chiếm đoạt tiền từ những tài khoản thanh toán của các nhân viên ngân hàng đứng tên, vị chủ tọa phải thốt lên: “Bị cáo rất khôn ngoan, nhưng bị cáo cũng rất tham lam, đã lôi kéo bao nhiêu người vào vòng lao lý. Giá như bị cáo sử dụng sự thông minh của mình vào làm những việc thiện cho xã hội thì hay biết mấy!”. Nữ siêu lừa cúi đầu câm lặng.

Mai Phượng