Xin trích dịch bài đăng từ New York Times, đề cập tới xu hướng nở rộ của các chuyến bay không điểm đến trong mùa dịch Covid-19.

Tháng 8 vừa qua, Nadzri Harif, DJ của đài phát thanh FM Kristal (Brunei), đặt chân tới sân bay lần đầu tiên sau 6 tháng. Đại dịch Covid-19 khiến sân bay quốc tế Brunei có phần thay đổi. Một loạt quầy dựng thêm tấm kính chắn. Hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, sự đổi thay này chẳng làm Harif thấy vướng ngại vì lâu lắm rồi anh mới được lên máy bay. Hơn nữa, đó sẽ là một trải nghiệm có một không hai bởi chuyến bay của anh không có điểm đến.

{keywords}
Tiếp viên hàng không mang bánh ngọt cho hành khách tổ chức sinh nhật trên máy bay. Ảnh: Royal Brunei Airlines.

Harif là một trong số hàng nghìn người Brunei, Đài Loan, Nhật Bản và Australia đặt các chuyến bay có điểm xuất phát và điểm đến ở cùng một nơi. Vài hãng hàng không đặt cho chúng cái tên mỹ miều là “chuyến bay thưởng ngoạn”, nhưng một số khác gọi thẳng là “chuyến bay không điểm đến”.

“Cho đến khi nghe thấy giọng cơ trưởng vang lên trên loa để chào mừng các hành khách, tôi mới nhận ra mình nhớ khoảng thời gian ngồi trên máy bay và du lịch khắp nơi như thế nào”, Harif chia sẻ sau 85 phút trải nghiệm trên chuyến bay thưởng ngoạn với Royal Brunei Airlines.

Tại thời điểm mà nhiều người không thể đi du lịch nước ngoài, thậm chí là cả trong nước, những chuyến bay không điểm đến là biện pháp tích cực nhất để ngăn sự suy tàn của ngành hàng không. Nhờ đó, các nhân viên sân bay và phi hành đoàn vẫn giữ được việc làm.

Đồng thời, chương trình đặc biệt này cũng giúp nhiều người nguôi ngoai cảm giác thèm đi du lịch sau một thời gian dài chôn chân ở nhà. Đối với họ, những "chuyến bay không điểm đến" đã cứu rỗi một năm bị hủy mọi kế hoạch du ngoạn.

{keywords}
DJ Nadzri Harif hào hứng với chuyến bay đặc biệt. Ảnh: Nadzri Harif.

Hãng hàng không quốc gia Brunei đã thực hiện 5 chuyến bay thưởng ngoạn kể từ giữa tháng 8. Vì số ca nhiễm Covid-19 giảm và không có sự lây lan trong cộng đồng, các hành khách không cần phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, các nhân viên sân bay và phi hành đoàn vẫn phải chấp hành quy định này.

Đầu tháng 9, hãng hàng không Đài Loan EVA Air cho biết 309 chỗ ngồi trên máy bay A330 Dream của họ được bán sạch. Tại Nhật Bản, hãng All Nippon thực hiện thành công 90 phút bay với chủ đề Hawaii cùng 300 hành khách.

Ngày 17/9, chuyến bay không điểm đến của hãng hàng không Australia Qantas cháy vé chỉ sau 10 phút mở bán. Vé có giá dao động 575-2.765 USD. Hành khách sẽ được đi vòng quanh xứ sở chuột túi, bay qua Lãnh thổ phía Bắc, Queensland và New South Wales.

Gần đây, hãng này phối hợp với công ty du lịch Antarctica Flight để mở lại các chuyến bay thưởng ngoạn Nam Cực, cho phép du khách đi bộ xung quanh và có góc nhìn khác nhau về lục địa này. Không ít cư dân Australia bày tỏ mong muốn những chuyến đi như vậy tiếp tục được khai thác trong mùa dịch.

Trải nghiệm là chính, điểm đến là phụ

Một số đại lý du lịch ở Ấn Độ và Mỹ cho biết khách hàng đã hỏi về các chuyến bay thưởng ngoạn này suốt 2 tháng qua vì họ hiểu rằng ngành du lịch sẽ khó có thể phục hồi lại bình thường nhanh chóng.

Loveleen Arun, một đại lý du lịch ở thành phố Bangalore (Ấn Độ) chuyên thiết kế những chuyến đi xa xỉ, chia sẻ rằng kể cả nhóm khách hàng khó tính của cô cũng mong muốn có chuyến bay không điểm đến tương tự ở quốc gia này.

“Cách đây vài ngày, một người nói với tôi rằng tất cả những gì cô ấy muốn là được ngồi ghế cạnh cửa sổ máy bay và nhìn ngắm những đám mây trắng mịn bồng bềnh. Vài khách hàng khác chỉ muốn đem hành lý tới sân bay và thực hiện thủ tục check-in”, Arun nói.

{keywords}
Không ít khách hàng sẵn sàng chi tiền được ngắm mây từ cửa sổ máy bay. Ảnh: Royal Brunei Airlines.

Phần lớn khách hàng của cô là cá nhân hoặc gia đình khá giả. Họ không quan trọng điểm đến, miễn là được tận hưởng sự xa xỉ và sang trọng trên máy bay.

Trước khi đại dịch bùng phát, Christopher Malby-Tynan, một giám đốc marketing sống ở London (Anh), thường xuyên di chuyển bằng đường hàng không vì cả lý do công việc và cá nhân. Anh cho biết các chuyến bay thưởng ngoạn sẽ rất hấp dẫn nếu không bao gồm những rắc rối thường thấy khi đi máy bay.

“Nếu vẫn bị nhồi nhét và chen lấn, những chuyến bay không điểm đến sẽ chẳng còn thú vị nữa. Nó sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn nếu hành khách cảm thấy thư giãn như thể đang đi spa hoặc lưu trú tại căn phòng hạng sang ở khách sạn”, Malby-Tynan chia sẻ.

Ban đầu, khi bố mẹ của Nadiah Hamid buộc cô phải tham gia chuyến bay thưởng ngoạn cùng với họ, cô cho rằng ý tưởng bay vòng quanh Brunei “thật nực cười”. Nhưng chỉ sau vài phút, cô gái 22 tuổi thay đổi suy nghĩ ấy ngay lập tức.

“Thông thường khi bay, bạn không thực sự biết mình đang ở bên trên khu vực nào. Tuy nhiên, bạn được nhìn ngắm quốc gia của mình dưới một góc độ khác trên chuyến bay vô định như thế này. Điều đó vô cùng thú vị”, cô nói.

{keywords}
Lộ trình bay vòng quanh đất nước của Hãng hàng không quốc gia Brunei. Ảnh: Nadiah Hamid.

Katie Chao, phát ngôn viên của hãng hàng không Đài Loan Starlux, cho biết công ty đang tích cực làm việc để nâng tầm chất lượng của những chuyến bay không điểm đến, bằng cách cho phép hành khách mua các gói dịch vụ trên máy bay và đặt phòng khách sạn.

“Chúng tôi cố gắng cung cấp một số chương trình vui vẻ và lạ mắt tại cổng check-in. Ngoài ra, hãng cũng trang trí máy bay tùy theo chủ đề, đi kèm với đó là quà tặng cho các hành khách”, cô nói.

Kể từ tháng 8, hãng này đã thực hiện 6 chuyến bay thưởng ngoạn và dự kiến tổ chức hàng chục chuyến nữa đến hết tháng 10. Theo Chao, hầu hết chuyến bay thưởng ngoạn đều cháy vé chỉ sau 10 phút mở bán.

Tuy nhiên, nhiều du khách và tổ chức bảo vệ môi trường chỉ trích dữ dội những chương trình này. Họ cho rằng ngành hàng không vốn đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trước đại dịch, nay lại tiếp tục thực hiện những chuyến bay không cần thiết như vậy.

Năm 2018, riêng ngành hàng không dân dụng thế giới chiếm tới 918 triệu tấn CO2. Rob Jackson, một nhà khoa học Trái Đất tại ĐH Stanford (Mỹ), ước tính lượng khí thải toàn cầu có thể giảm 7% nếu tình trạng ngừng hoạt động kéo dài từ giờ đến cuối năm.

Đáp lại những phản hồi tiêu cực từ dư luận, Royal Brunei Airlines cho biết họ sử dụng máy bay Airbus A320neo để hạn chế khí thải. Trong khi đó, hãng hàng không Qantas khẳng định họ đã mua bán phát thải carbon để giảm bớt tác động tới môi trường.

(Theo Zing)