Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Trung tâm) cho biết, thành phố cần tuyển 77.000 lao động trong 3 tháng cuối năm. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ chủ yếu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo (chiếm 86%), chỉ 13% lao động chưa qua đào tạo, chủ yếu ở các nhóm nghề như dịch vụ du lịch, ăn uống, dệt may, bảo vệ.
Mức lương tuyển dụng thấp nhất được đưa ra là dưới 5 triệu đồng/tháng và cao nhất là hơn 20 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhất thuộc các vị trí như: nhân viên phục vụ, nhân viên bán hàng, thực tập sinh, nhân viên kinh doanh.
Mức lương ở hơn 20 triệu đồng thuộc các vị trí: Giám đốc xây dựng, giám đốc kinh doanh - marketing, trưởng phòng quản lý chất lượng, bác sĩ nha khoa, kế toán trưởng, trưởng phòng pháp lý, trưởng phòng nhân sự, quản lý dự án, giám đốc tài chính, kiến trúc sư...
Ngoài ra, nhân viên kinh doanh bất động sản, chuyên viên tài chính, bảo hiểm, lập trình viên, nhân viên đồ họa, nhân viên lập trình... cũng được tuyển dụng ở mức từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Mức lương từ 15 - 20 triệu thuộc nhóm chuyên viên phát triển phần mềm, quản lý bán hàng, giám sát công trình, trợ lý marketing, trưởng bộ phận kỹ thuật.
3 ngành có mức tăng lương, thưởng cao nhất
Vừa qua, Talentnet-Mercer đã khảo sát tình hình lương, thưởng năm 2022 tại 3.300 vị trí với hơn 483.000 người lao động trên khắp Việt Nam cho thấy mức lương tại thị trường Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trở lại do kinh tế phục hồi hậu Covid-19.
3 ngành có mức tăng lương cao nhất là công nghệ cao (tăng 8,88%), bảo hiểm (tăng 8,2%) và dược phẩm (tăng 7,6%). Trong khi đó, 3 nhóm ngành có mức tăng lương thấp nhất là dầu khí (3,6%), sản xuất (6,1%) và bán lẻ (6,2%).
Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều năm, lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp đại học Việt Nam và đại học nước ngoài ở mức ngang bằng nhau, khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Về mức thưởng, theo báo cáo, tương tự năm 2020 và 2021, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính bao gồm ngân hàng và phi ngân hàng (như công ty cho vay tiêu dùng, quỹ đầu tư, chứng khoán, quản lý quỹ…) là nhóm ngành có tỷ lệ thưởng dự kiến cao nhất trong năm nay, dao động từ 43% đến 20,8% mức lương cơ bản. Đứng thứ 3 là các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp với tỷ lệ thưởng 20,3% lương cơ bản.
So với năm 2021, tỷ lệ thưởng của nhóm ngân hàng - phi ngân hàng đã tăng 1,7 lần so với năm 2021, nằm ở mức rất cao 43%, nhờ nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao hậu Covid-19.
(Theo Dân Trí)