Đây là một trong những ứng dụng y tế thông minh hiệu quả Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM triển khai hơn 10 năm qua được báo cáo trong buổi giám sát của Hội đồng Nhân dân TP, sáng 25/10.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận từ 5.000 đến 6.000 lượt khám, đặc biệt căng vào các mùa dịch. Mỗi bác sĩ có thể phải khám trung bình cho 90 trẻ/ngày. Do đó, khi bệnh viện số hóa đơn thuốc, áp dụng phần mềm giám sát có thể giảm thiểu sai sót khi kê đơn cho trẻ.
Cụ thể, từ năm 2009, phần mềm kê đơn thuốc có tính năng nhắc nhở về các thuốc chống chỉ định, thực phẩm chức năng, cảnh báo tương tác thuốc, tác dụng phụ, liều dùng, cách pha và bảo quản. Với những thuốc có tên na ná nhau, phần mềm cũng cảnh báo để bác sĩ chú ý khỏi nhầm lẫn.
“Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều áp dụng phác đồ như nhau, vẫn có những tình huống khác. Nếu bác sĩ được nhắc mà vượt qua, tiếp tục kê đơn, chúng tôi có hệ thống thứ 2 - giám sát realtime bởi các phòng chuyên môn, hàng ngày, hàng giờ.
Những đơn thuốc tạm gọi là 'bất thường' sẽ được cảnh báo, chúng tôi sẽ mời bác sĩ lên để thuyết minh, phản hồi ngay trong ngày”, bác sĩ Minh nói.
Vì thế, công cụ này giúp các bác sĩ ý thức rằng, luôn có người đang giám sát việc kê đơn, tuân thủ phác đồ điều trị.
Tại buổi giám sát thực hiện đề án y tế thông minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đã số hóa hầu hết chứng từ như giấy tờ chuyên môn, quản lý giám sát, quy trình khám bệnh tiện lợi cho bệnh nhân. Hiện có 4 khoa đã áp dụng thí điểm bệnh án điện tử, dự kiến 2 năm tới sẽ triển khai toàn bệnh viện.
Cũng giống như các cơ sở y tế khác, Bệnh viện Nhi đồng 1 gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân sự công nghệ thông tin và kinh phí triển khai. Phòng công nghệ thông tin hiện có 12 người, quản lý 700 máy tính. Đây là một thách thức khi thực hiện đề án.
“Ví dụ, kỹ sư phần mềm dư sức kiếm được vài ngàn USD bên ngoài nhưng bệnh viện thì không thể thoáng như vậy. Làm sao để giữ được nhân sự công nghệ thông tin giỏi trong khi cơ chế lương, thu nhập tăng thêm không thể được như vậy?”, bác sĩ Minh nói.
Ông Đặng Thanh Hùng, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng chung nỗi trăn trở về cơ chế thu hút nhân sự giỏi, có tay nghề về làm trong bệnh viện. Ông Hùng dẫn chứng, 1 sinh viên công nghệ thông tin đi thực tập năm đầu đã được trả 500 USD, kinh nghiệm 2 năm sẽ tăng lên 1.500 – 2.000 USD.
Vì lẽ đó, bệnh viện xây dựng nhân sự công nghệ theo hướng cốt lõi để theo sát về chuyên môn, còn lại phối hợp với các doanh nghiệp bên ngoài có ưu thế về cập nhật công nghệ mới.
Tại buổi giám sát, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, Nhi đồng 1 là một trong những bệnh viện hiếm hoi của thành phố tự xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin hoàn toàn “cây nhà lá vườn”, không nhờ đơn vị ngoài. Các bệnh viện khác đã sang học tập kinh nghiệm triển khai.
Tuy nhiên, việc cải thiện thu nhập để giữ chân đội ngũ nhân sự này lại là bài toán khó chưa giải được. “Nếu đưa lên bàn cân hỏi bệnh nhân muốn điều trị khỏi hay anh muốn thuận tiện trong khám chữa bệnh, chắc chắn họ trả lời rằng muốn hết bệnh. Do đó, nếu trả lương cho đội ngũ công nghệ thông tin bằng với thị trường chung, thậm chí vượt cả chi phí cho bác sĩ, chuyên gia thì không thể”, bác sĩ Tuyết nói.
Về mặt đầu tư hạ tầng, mạng lưới dữ liệu, bác sĩ Tuyết cho rằng, nếu giao hẳn và đổ gánh nặng chi đầu tư cho các bệnh viện thì các đơn vị không lo nổi. Lý do là hiện nay chi phí công nghệ thông tin chưa có trong cơ cấu giá. Các bệnh viện dù đã tự chủ chi thường xuyên nhưng chi đầu tư vẫn phải dựa vào ngân sách Nhà nước.
Do đó, bác sĩ Tuyết mong các Sở Ban ngành có sự tham mưu cho UBND, HĐND TP để kiến nghị xây dựng kế hoạch tổng thể, phân kỳ, để các bệnh viện có được sự đầu tư toàn cục.
Dự kiến, Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng nhân dân TP sẽ tiếp tục làm việc với Bệnh viện Nhân dân 115 về xây dựng y tế thông minh ngày 27/10 tới đây.