Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa nhưng đòi hỏi vốn lớn cho đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ, vật liệu và nhân lực kỹ thuật trình độ cao. Sản xuất công nghiệp hỗ trợ là tạo ra các bán thành phẩm, phụ thuộc hầu hết vào khách hàng là nhà sản xuất các sản phẩm cuối cùng. Do đó, doanh nghiệp khó có được các chiến lược thị trường rõ ràng như đối với sản xuất hàng hóa thông thường. Các yêu cầu này làm cho công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực rất khó để bắt đầu khởi tạo sản xuất. Giai đoạn đầu và trong cả quá trình phát triển, nguồn vốn tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hiện tại, do những đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ, như: doanh nghiệp không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng …, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
Theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP và Thông tư số 01/2016/TT-NHNN ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng sẽ được bảo lãnh tín dụng bởi các tổ chức bảo lãnh tín dụng, gồm:
- Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập và hoạt động theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thực hiện bảo lãnh theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại;
- Các tổ chức khác được phép thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, trước khi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP được ban hành, trong thời gian Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về phát triển công nghiệp hỗ trợ có hiệu lực, không có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ và vừa nào được bảo lãnh vay và vay vốn qua VDB. Mặc dù thủ tục xác nhận ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã được đơn giản hóa tối đa, cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào được bảo lãnh vay và vay vốn từ VDB. Nguyên nhân chính, VDB được thiết kế hoạt động không để phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tín dụng có quy mô nhỏ.
Như vậy, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP vẫn chưa giải quyết được các bất cập về chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Phương Linh