Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý gặp nhau vào cuối tuần này bên lề hội nghị G20, sẽ có rất ít hy vọng về một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Đối với cả hai nhà lãnh đạo, những vấn đề chính trị trong nước đã khiến cho một thỏa thuận như vậy sẽ khó có thể xảy ra.
Nhưng nếu hy vọng kết thúc thương chiến cho cả hai bên bị xem nhẹ, thì những lo ngại về cuộc xung đột kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài sang năm tới. Các nhà hoạch định chính sách ở cả Washington lẫn Bắc Kinh đều tin rằng, nền kinh tế của đất nước họ đang ở vị thế tốt để có thể vượt qua cơn bão thương mại.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều tin rằng họ có thể vượt qua cơn bão thương mại. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, thái độ lạc quan như vậy của họ có thể sẽ là một sai lầm. Về phía Washington, họ đã không vội vàng đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc. Tổng thống Trump hồi tháng 5 đã phải đối mặt với rất nhiều sự chỉ trích trong nước tới từ cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, bởi ông Trump đã quá sẵn sàng cho một thỏa thuận với Trung Quốc mà theo góc nhìn của cả hai đảng trên, Mỹ sẽ phải từ bỏ quá nhiều và cũng quá ít sự bảo đảm tới từ Bắc Kinh.
Với sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn vững chắc, thị trường chứng khoán Phố Wall đạt mức cao kỷ lục và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã sẵn sàng để hỗ trợ hoạt động cắt giảm lãi suất nếu như mọi chuyện bắt đầu có vẻ xấu đi, chính quyền ông Trump hiện đang có động lực chính trị mạnh mẽ để không cần phải khoan nhượng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Bởi vậy theo nhận định của các chuyên gia thuộc Scmp, chừng nào nền kinh tế Mỹ vẫn còn tương đối mạnh, thì sự không khoan nhượng trong việc đàm phán sẽ cho giúp ông Trump xoa dịu những lời chỉ trích từ trong nước trong khi ông vẫn giữ lập trường cứng rắn của mình để làm bàn đạp trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vào năm tới.
Nếu các quan chức Mỹ không vội vàng tiến tới một thỏa thuận thương mại, thì phía Trung Quốc cũng như vậy. Giống như ông Trump, trưởng đoàn đàm phán thương mại kiêm Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hiện cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích trong nước, vì ông ấy đã suýt chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ, mà theo dư luận Trung Quốc là đã nhượng bộ quá nhiều.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bị chỉ trích vì nhượng bộ trong đàm phán. Ảnh: THX |
Và dù phía Bắc Kinh rất muốn tránh việc Mỹ tăng mức thuế lên 25% với 325 tỷ USD hàng hóa còn lại của nước này, nhưng họ không thích phải đáp ứng theo những yêu cầu của Washington, giống như hồi thế kỷ thứ 19 Trung Quốc đã từng phải ký “các hiệp ước bất bình đẳng”.
Và giống như phía Washington, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đủ mạnh để “hấp thụ” các tác động tiêu cực khi họ gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ mà không khiến cho nền kinh tế nước này phải chịu những thiệt hại nặng nề. Cụ thể, các nhà kinh tế học của Trung Quốc chỉ ra việc xuất khẩu hàng hóa của nước này đã giảm từ mức 35% tổng sản phẩm quốc nội trước cuộc khủng hoảng tài chính xuống mức 18% vào năm 2018.
“Có một sự thay đổi lớn về cấu trúc đang diễn ra ở Trung Quốc, từ định hướng xuất khẩu đang bị thúc đẩy bởi một thị trường nội địa khổng lồ”, ông Lưu Hạc từng phát biểu hồi đầu tháng này. Do vậy theo ông, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục phát triển kinh tế mà không bị gián đoạn bởi “những thách thức từ bên ngoài” như cuộc thương chiến với Mỹ.
Nhìn sơ qua, điều này này có vẻ hợp lý. Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị số hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm khoảng 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, và số tiền này ít hơn 0,1% GDP của Trung Quốc trong năm 2018. Ngay cả khi những tổn thất trong việc xuất khẩu của Trung Quốc có tăng gấp đôi, hoặc thậm chí gấp ba lần thì những tác động trực tiếp gây ảnh hưởng đến tổng sản lượng hàng hóa cũng như sự tăng trưởng kinh tế chung của Trung Quốc cũng sẽ rất là nhỏ.
Vì vậy, sự tự tin của ông Lưu Hạc có vẻ hợp lý. Tuy nhiên những tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại lên GDP chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh. Khi Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới thì các công ty Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh với những công ty tốt nhất trên thế giới. Và chính nhờ những sự cạnh tranh này buộc họ phải nâng cao khả năng, đổi mới và đầu tư để có thể cải thiện năng suất.
Tác động của thương chiến với kinh tế TQ sẽ về lâu dài. Ảnh: FMSH |
Sự thúc đẩy cạnh tranh này có tác động cực kỳ lớn đối vời nền kinh tế trong nước của Trung Quốc, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập thêm nguồn thu nhập. Điều đó rất rõ ràng từ sự khác biệt trong những năm gần đây của khu vực tư nhân và nhà nước. Mặc dù thiếu mức tín dụng, khu vực tư nhân, bao gồm gần như tất cả các nhà xuất khẩu của Trung Quốc, đã thúc đẩy sự tăng trưởng việc làm và tăng năng suất ở cấp quốc gia.
Nói cách khác, sự quan điểm phát triển liên tục của “thị trường nội địa khổng lồ” của ông Lưu bị thúc đẩy một cách không cân xứng bởi chính ngành xuất khẩu mà giờ đây ông hy vọng thị trường trong nước sẽ thay thế vai trò của nó. Điều này sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với một vấn đề dài hạn hơn. Cụ thể, Trung Quốc sẽ sản xuất hàng hóa nhiều hơn mức tiêu thụ. Và đồng nghĩa với việc mức thặng dư thương mại của nước này sẽ tăng lên, và càng làm gia tăng căng thẳng với Mỹ.
Do vậy, dù Trung Quốc có thể thoát khỏi những căng thẳng thương mại và hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, khả năng tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng, mức đầu tư sẽ giảm xuống và những rủi ro tài chính tăng cao. Đây sẽ không phải là một vấn đề lớn trong năm 2019, nhưng nếu cuộc thương chiến với Mỹ còn kéo dài, lực ngăn nền kinh tế nước này tăng trưởng sẽ ngày càng lớn hơn. Và điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Trung Quốc không phải là ‘bất khả xâm phạm’ như ông Lưu vẫn muốn tin.
Tuấn Trần