Phía sau những con tàu tiền tỷ từng ngang dọc khắp ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, nay bị rao bán với giá rẻ là biết bao thân phận ngư dân đang kiệt quệ về kinh tế, uể oải về tinh thần.

Bán cơ nghiệp để trả nợ

Làm nghề đi biển từ thời niên thiếu, ông Đỗ Văn Trung (44 tuổi) ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) là một trong những ngư dân dày dạn kinh nghiệm ở địa phương. Nhận thấy nghề khai thác hải sản bằng hình thức đánh bắt giã cào mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2018, ông Trung thế chấp nhà, vay ngân hàng 5 tỷ đồng để mua 2 tàu cá, với tổng công suất 1.240 mã lực, trị giá cả 2 tàu khoảng 9 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Trung (44 tuổi) ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi trên con tàu tiền tỷ nhưng nằm gờ gần 4 năm của mình. Ảnh: Ngọc Viên

Sở hữu cặp tàu cá lớn ở xã, ông Trung cùng 15 bạn tàu khác vươn khơi khai thác hải sản ở Vịnh Bắc Bộ. Thời điểm đó, mỗi chuyến ra khơi 20 ngày, ông thu lợi khoảng 150 triệu đồng, còn bạn tàu cùng đi cũng “lận lưng” trên chục triệu đồng.

Việc đánh bắt hải sản những tháng đầu rất thuận lợi nên ông Trung trả lãi ngân hàng đều đặn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, việc khai thác hải sản bắt đầu gặp khó khăn, mất khả năng trả nợ cho ngân hàng, ông Trung bị phía ngân hàng ngừng cho vay, việc đánh bắt cũng vì thế bị "đứt gánh".

Ngồi trên con tàu tiền tỷ, nhưng nằm bờ gần 4 năm nay, ông Trung đau xót chia sẻ, ngoài vay tiền ngân hàng mua tàu mới, mỗi chuyến ra khơi phải vay thêm khoảng 700 triệu đồng mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm, và tiền ứng trước cho bạn tàu. Vậy nên, khi ngân hàng ngừng cho vay, việc ra khơi cũng đứng bánh.

Theo ông Trung, hiện một con tàu nằm bờ ở cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), còn một tàu nằm bờ ở xã Nghĩa An.

"Ngày xưa tôi mua hai con tàu, trang bị thêm máy móc cũng ngót ngét chục tỷ đồng, giờ ngân hàng thẩm định, kê biên rao bán chỉ khoảng 200 triệu, nhưng suốt gần 4 năm nay vẫn chưa bán được"- ông Trung chua xót nói.

Làm ăn thất bát, nay mất khả năng trả nợ, số tiền nợ ngân hàng cả gốc và lãi của gia đình ông Trung đã lên đến 6 tỷ đồng. Vì thế, từ chủ tàu làm ăn khấm khá, nay nợ nần chồng chất khiến người thuyền trưởng sức vóc ngày nào giờ gầy xọm.

Nhìn con tàu nằm chỏng chơ ở bến Cổ Lũy (xã Nghĩa An), ông Trung khóc ròng, "giờ hàng tháng cán bộ ngân hàng xuống nhà làm các giấy tờ, thủ tục là vợ chồng tôi run cầm cập, vì lo bị siết nhà. Nhà bị bán nốt thì gia đình tôi trắng tay, vợ và 3 con phải ra đường vì túng bẫn, cùng đường rồi".

Nằm cạnh con tàu rách nát của ông Trung, là tàu của bà Lê Thị Tiện (46 tuổi) ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An. Năm 2011, gia đình bà Tiện cũng từng vay ngân hàng 4 tỷ đồng để sắm 2 tàu cá, với tổng công suất trên 1.240 mã lực để hành nghề giã cào.

Những năm đầu làm ăn khấm khá, nên việc trả nợ hanh thông, tuy nhiên từ năm 2017 - 2019, ngư trường dần cạn kiệt nguồn thủy sản, bởi số lượng tàu hành nghề giã cào tăng lên đột biến, nên việc khai thác hải sản của gia đình bà Tiện lâm vào cảnh bết bát.

Đến tháng 5/2019, không còn đủ sức cầm cự, nên vợ chồng bà cho tàu nằm bờ, bị phía ngân hàng thẩm định, kê biên.

Bà Lê Thị Tiện (46 tuổi) ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An thẫn thờ trên tàu cá đang bị phía ngân hàng rao bán với giá rẻ để thu hồi nợ. Ảnh: Ngọc Viên

Bà Tiện cho hay, nợ nần chồng chất, nên tháng 6/2021, gia đình bán một tàu cá được 700 triệu đồng, để trả nợ cho ngân hàng. Hiện còn một tàu bị ngân hàng và gia đình rao bán, nhưng không ai hỏi mua, nằm phơi nắng mưa ngoài bến nên đã hư hỏng rất nặng.

"Hiện gia đình còn nợ ngân hàng 3,2 tỷ đồng, không đủ khả năng trả nợ. Chồng tôi từ một chủ tàu sở hữu 2 tàu cá tiền tỷ, giờ phải bỏ nghề biển, đi làm công nhân, mỗi tháng kiếm được khoảng trên 5 triệu đồng, cầm cự qua ngày. Khoản nợ quá lớn, nên đêm nào tôi cũng thao thức, nhiều hôm đang ngủ, nằm mơ bị ngân hàng siết nhà, cả gia đình dọn ra ngoài ở, mà nước mắt cứ chảy vì tủi thân"- bà Tiện nghẹn ngào

Đi có về không, ngư dân quyết định bán tàu

Dưới cái nắng oi bức tháng 7 hằn lên khuôn mặt, ông Đỗ Minh Dũng (52 tuổi, xã Tam Quang) ngồi sửa tạm bình ắc quy lắp cho con thuyền nhỏ để đi đánh bắt cá ven sông qua ngày.

"Cả gia tài có được con tàu thì phải bán rồi, giờ chỉ cầm cự, chuyển dịch dần công việc, ai gọi gì làm đó chứ cũng không biết theo nghề nào với độ tuổi này nữa", ông Dũng rầu rĩ.

Ông Đỗ Minh Dũng đang sửa bình ắc quy để đánh cá ven bờ

Ông kể, con tàu của gia đình được đóng mới vào năm 2017, trị giá 1,15 tỷ đồng, trong đó có khoản vay mượn hơn 600 triệu. Khi có tàu, ông và 3 người khác khởi hành ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt cá khoảng 16 ngày mỗi chuyến.

"Từ đầu năm tới khi bán tàu, tôi ra khơi 4 chuyến nhưng không có chuyến nào lời", ông Dũng kể.

Ông Dũng liệt kê, để đưa tàu ra khơi mỗi chuyến, riêng tiền xăng dầu đã đến 30 triệu, tiền công 3 người đã 7 triệu/người/chuyến. Như vậy, tính chi ly hết 51 triệu, chưa kể tiền ăn uống, chi phí khác, trong khi doanh thu vẫn 45 triệu/chuyến.

Kể về số phận con tàu, ngư dân Đỗ Minh Dũng nói: "Cầm cự mãi không được, ngày 30/6 vừa qua có một người ở tỉnh Bình Định đến hỏi mua tàu nên tôi quyết định bán để trả ngân hàng 200 triệu".

Hỏi về thời gian tiếp theo như thế nào?, ông Dũng gằn giọng: Giờ chuyển hẳn sang nghề thợ đụng, đụng gì làm đó chứ cũng không biết sao nữa, ai gọi bốc vác thì bốc vác, ai gọi phụ hồ thì phụ hồ.

"Nếu xăng, dầu giảm xuống ổn định, khi đó tôi mới quay lại bám biển", ông Dũng nói.

Trong khi đó, ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm (ngụ quận Thanh Khê) cho biết, ông đã bán 1 tàu gỗ, còn 1 chiếc tàu vỏ thép nằm bờ đã lâu.

"Ngư dân hiện nay gặp vô vàn khó khăn, trong đó phải kể đến nguyên nhân từ giá xăng dầu tăng. Giá xăng dầu lúc tăng thì rất cao, lúc giảm thì chỉ vài trăm đồng nên ngư dân gặp khó. Nhiều bạn thuyền của tôi hiện nay còn có ý định bán tàu cá, vì một chuyến ra khơi chi phí bỏ ra tăng thêm quá nhiều, trong khi hải sản đánh bắt giá thấp, không thể bù được vốn", ông Tâm nói.

Tàu 'đắp chiếu' dài ngày, ngư dân càng bám biển càng kiệt quệKhi khoản nợ vay đóng tàu vẫn treo trên đầu, những ngày này ngư dân vốn khó càng chồng khó khi giá nhiên liệu cao, đưa tàu ra khơi lại lỗ thêm. Cảnh những cảng biển ngày nào còn tấp nập thuyền cá ra vào, nay cả loạt tàu "đắp chiếu" nằm bờ.

Hồ Giáp - Ngọc Viên - Công Sáng