Ghi nhận tại cảng cá Nghi Thủy PV, dù là một cảng cá vốn nhộn nhịp trên địa bàn thị xã Cửa Lò (Nghệ An), nhưng khung cảnh nơi đây nay vắng vẻ, đìu hiu khác thường.
Nhiều ki-ốt cửa chốt then cài, tàu thuyền của ngư dân nối nhau nằm dài bên bờ, không ra khơi.
Trong câu chuyện của ngư dân, vấn đề được nhiều người nói tới là chuyện giá xăng dầu và thiếu nhân công lao động. Ngày 13/6 vừa qua, giá xăng E5 tiếp tục tăng vọt lên mức hơn 31.000 đồng/lít, xăng A95 lên 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng tăng rất cao 2.490-2.630 đồng/lít, đẩy giá bán dầu diesel lên mức 29.020 đồng/lít.
Giá xăng dầu leo thang đã tác động rất lớn đến đời sống, hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân Nghệ An nói riêng và nhiều tỉnh, thành khác nói chung.
Phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò) hiện có 110 tàu thuyền, trong đó, có 46 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại đánh bắt gần bờ. Thời điểm này, đi đâu cũng nghe bà con ngư dân than vãn thua lỗ sau mỗi chuyến đi biển, chuyện rao bán tàu cá cũng được nhắc nhiều.
Trong nỗi buồn khi phải rao bán đôi tàu đánh bắt xa bờ gắn bó với mình hơn 3 năm nay, ngư dân Nguyễn Văn Bình (56 tuổi, trú khối Đông Tiến, phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò) cho biết, sinh ra và lớn lên tại vùng biển, gắn bó với nghề biển từ lúc trưởng thành, trải qua bao thăng trầm với nghề nhưng chưa bao giờ gặp khó khăn như lúc này.
Giá dầu tăng quá cao, lao động lành nghề ngày càng hiếm, buộc phải chi trả tiền công với mức giá cao, trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng kém.
“Sau Tết Nguyên Đán, giá dầu lên 20.000 đồng/lít thì dân đi biển đã không có lời rồi. Nay dầu gần 30.000 đồng/lít thì ngư dân chắc chắn làm không có lãi”.
Không thể bám trụ với nghề, ngư dân Nguyễn Văn Bình phải bán đi đôi tàu mà ông mua cách đây 3 năm với giá gần 7 tỷ đồng.
“Cách đây hơn 1 tháng tôi rao bán đôi tàu cá với giá 2 tỷ đồng nhưng chưa thấy ai hỏi mua. Giá rẻ cũng phải bán, bởi nếu tiếp tục giữ lại chỉ càng thêm thua lỗ. Neo tàu nằm dài ngày cũng hư hỏng, xuống cấp, khi đó có bán cũng không ai mua”, ngư dân Bình ngậm ngùi.
Khi hỏi bán được tàu rồi sẽ làm gì? Ông Bình buồn rầu, im lặng, không trả lời…
Không chỉ tại Thị xã Cửa Lò, việc giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục hiện nay cũng khiến nhiều ngư dân ở các vùng biển khác như Thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… không "mặn mà" ra khơi ở thời điểm này.
Với đội tàu khá hùng hậu tham gia đánh cá vùng biển xa, xã Quỳnh Lập là điểm sáng trong đánh bắt hải sản của Thị xã Hoàng Mai nhưng giờ đây cũng đối mặt với khó khăn.
Theo những ngư dân tại đây, từ đầu năm 2021 đến nay có hơn 20 con tàu phải bán đi. Hiện có 4 tàu 900 CV đang nằm bờ dài ngày và đang rao bán.
Lao động đi biển và dịch vụ mua bán hải sản ngày một thiếu khi nhân lực chuyển đi làm công ty, nhà máy giày da ở huyện Diễn Châu.
Tài xế taxi chạy xe cầm chừng, lo không có lương cuối tháng
Giá xăng dầu tăng cao đã khiến cho nhiều tài xế taxi ở TP Vinh (Nghệ An) hoạt động cầm chừng, không dám chạy vào những giờ tan tầm cao điểm vì tắc đường tốn nhiên liệu.
Tài xế Lương Đức Hường chia sẻ, hàng trăm tài xế taxi bị ảnh hưởng nguồn thu nhập khi giá xăng dầu tăng “chóng mặt” mấy ngày qua. Nếu trước đây giá xăng chưa tăng, mỗi tháng thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong tháng này giá xăng lên cao, nguồn thu sẽ giảm xuống thấp.
“Chạy taxi là công việc làm thêm của tôi sau khi nghỉ hưu nên không quá lo lắng về thu nhập. Lương tài xế chỉ đủ cho cá nhân tôi trang trải cuộc sống hàng ngày như ăn sáng, cà phê. Nếu những người lái taxi kiếm tiền nuôi gia đình, khả năng sẽ không trụ nổi. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chưa có hỗ trợ thêm thu nhập để giữ chân tài xế ở lại, còn lương tháng này cũng chưa biết sẽ được bao nhiêu”, ông Hường bộc bạch.
Theo ông Hường, hiện nay tài xế mỗi xe tự đổ xăng di chuyển hàng ngày, lợi nhuận chia 50/50 với chủ doanh nghiệp quản lý taxi. Ông Hường cho biết, trong thời gian giá xăng tăng lên cao như hiện nay, các chuyến xe đi lại trong thành phố không đủ chi phí nhiên liệu, tài xế chỉ có thu nhập ổn định khi chạy tuyến đường dài.
“Đây là thời điểm hết sức khó khăn của nhiều doanh nghiệp, cá nhân hành nghề vận tải. Mỗi ngày bây giờ tôi chỉ chạy xe cho những khách quen, đi tuyến đường dài. Còn những giờ cao điểm, lúc tan tầm thì không dám chạy xe. Ở TP Vinh cũng nhiều xe ô tô, tắc đường, dừng đèn đỏ nhiều cũng là lý do rất tốn kém nhiêu liệu”, ông Hường chia sẻ.
Hòa Bình - Bảo An