Học thuyết Darwin hay Lý thuyết chọn lọc tự nhiên đề cập đến Thuyết tiến hóa do nhà bác học Charles Darwin đề xuất vào thế kỷ 19. Đây là một khái niệm cơ bản trong lĩnh vực sinh học và có tác động sâu sắc đến hiểu biết của con người về sự đa dạng của sự sống trên Trái đất.

Việc giảng dạy Thuyết tiến hóa Darwin đã gây ra tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới do mâu thuẫn với niềm tin tôn giáo hoặc hệ tư tưởng. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Hồi giáo, đã hạn chế hay cấm việc truyền bá lý thuyết này trong chương trình giảng dạy vì nó được cho là mâu thuẫn với giáo lý.

Lý thuyết của Darwin về nguồn gốc loài người cho rằng con người được tiến hoá từ loài vượn gây nhiều tranh cãi.

Ả-rập Xê-út, Oman, An-giê-ri và Ma-rốc đã cấm hoàn toàn việc giảng dạy Thuyết tiến hóa. Ở Lebanon, thuyết này đã bị loại bỏ khỏi chương trình giảng dạy. Ở Jordan, nội dung tiến hóa được thiết kế dựa trên khuôn khổ tôn giáo. Ở Ai Cập và Tunisia, Thuyết tiến hóa được trình bày như một giả thuyết chưa được chứng minh, theo Tạp chí Nature. 

Trên thực tế, nhiều quốc gia Hồi giáo ban hành các điều khoản trong Luật Hồi giáo (Fatwa) chống lại Thuyết tiến hóa. Ở Qatar, điều luật Fatwa 361168 buộc tội bất kỳ ai tin vào Thuyết tiến hóa của Darwin là kufr (báng bổ). Ở Oman, Grand Mufti- người đứng đầu Vương quốc Hồi giáo được biết đến là người phản đối mạnh mẽ Thuyết tiến hóa. Tại Ả Rập Saudi, điều luật Fatwa 2872 tuyên bố rằng Thuyết tiến hóa mâu thuẫn với câu chuyện sáng tạo trong Kinh Qur'an.

Thổ Nhĩ Kỳ có một lịch sử phong phú về giáo dục thế tục (tách biệt khỏi tôn giáo) và việc giảng dạy Thuyết Darwin đã được đưa vào chương trình giảng dạy toàn quốc trong nhiều năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan đã công bố sửa đổi chương trình giảng dạy, giảm bớt sự nhấn mạnh vào quá trình tiến hóa trong sách giáo khoa sinh học.

Những thay đổi đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi từ cộng đồng khoa học, những người lập luận rằng việc giảng dạy về sự tiến hóa rất quan trọng để hiểu được sinh học hiện đại. 

Ả-rập Xê-út, với sức ảnh hưởng mạnh mẽ và chi phối của Hồi giáo, cũng đã chứng kiến những cuộc thảo luận và tranh cãi nảy lửa xung quanh Thuyết tiến hóa. Mặc dù không có lệnh cấm chính thức nào đối với thuyết Darwin, nhưng những nội dung này đối mặt với những hạn chế do mâu thuẫn với những cách giải thích nhất định của giáo lý Hồi giáo- vốn định hình nếp sống và thế giới quan của các tín đồ.

Sau Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Ấn Độ vừa gỡ bỏ Thuyết tiến hoá của Darwin ra khỏi sách giáo khoa. 

Tuy nhiên, Iran- quốc gia thực hành nhánh Shia của Hồi giáo không phản đối ý tưởng tiến hóa nói chung và không đồng ý rằng sự tiến hóa nhất thiết mâu thuẫn với tôn giáo này, theo học giả Elise K Burton tại Trung tâm Quốc gia Mỹ về Giáo dục Khoa học (NCSE). Trên thực tế, Thuyết tiến hóa được kết hợp trong chương trình giảng dạy khoa học bắt đầu từ lớp 5. Việc nghiên cứu thực chứng về hóa thạch các loài là thẩm quyền của khoa học. 

Tại Mỹ, việc giảng dạy về sự tiến hóa đã là một chủ đề gây tranh cãi ở một số vùng. Trong khi phần lớn các chương trình khoa học có giảng dạy về Thuyết tiến hóa như một khái niệm cơ bản nhưng một số bang đã nỗ lực giới thiệu hoặc thúc đẩy các quan điểm thay thế, chẳng hạn như thuyết sáng tạo (Creationism) hoặc thuyết thiết kế thông minh (Intelligent design).

Những nỗ lực này thường phát sinh từ niềm tin tôn giáo hoặc phe bảo thủ và nhằm mục đích thách thức sự đồng thuận của khoa học về sự tiến hóa. Tuy nhiên, những phe phái này đã phải đối mặt với những thách thức pháp lý dựa trên Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ: cấm thành lập tôn giáo trong các trường công lập.

Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng việc giảng dạy thuyết sáng tạo (Creationism) hoặc thuyết thiết kế thông minh (Intelligent design) như những lựa chọn thay thế khoa học cho thuyết tiến hóa là vi hiến, vì nó thúc đẩy một quan điểm tôn giáo cụ thể.

Trong các vụ án mang tính bước ngoặt như vụ Edwards kiện Aguillard (1987) và vụ Kitzmiller kiện Học khu Dover Area (2005), các tòa án đã tái khẳng định rằng việc giảng dạy tiến hóa là hợp hiến và các quan điểm thay thế thiếu bằng chứng khoa học không thể được trình bày dưới dạng các lựa chọn thay thế khoa học trong các lớp học khoa học ở trường công. Những tiền lệ pháp lý này đã củng cố việc giảng dạy Thuyết tiến hóa như một khái niệm khoa học trong đại đa số các trường công lập ở Mỹ.

Trên thực tế, những thách thức đối với việc dạy Thuyết tiến hóa vẫn tồn tại ở một số địa phương. Một số bang đã thông qua luật hoặc chính sách cho phép thảo luận về các chủ đề gây tranh cãi liên quan đến quá trình tiến hóa. Đây được coi là nỗ lực đưa các quan điểm thay thế vào lớp học.

Tại Nga, tháng 12/2006, một nữ sinh tại thành phố Saint Petersburg và cha đã kiện Bộ Giáo dục ra tòa vì vấn đề giảng dạy Thuyết tiến hóa trong các trường học, theo RIA Novosti. Bộ Giáo dục Nga ủng hộ Thuyết tiến hóa trong khi đại diện của Giáo hội Chính thống Nga ủng hộ vụ kiện. Vào tháng 7/2007, tòa sơ thẩm đã ra phán quyết có lợi cho Bộ.

Tại Ấn Độ, chính phủ nước này mới đây đã xóa chương về “Thuyết tiến hóa sinh học” của Charles Darwin ra khỏi SGK, theo The Hindu. Việc chính phủ Ấn Độ xóa bỏ lý thuyết này cũng như việc một số bang do Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền đưa Kinh Bhagavad Gita (một phần sử thi thuộc Kinh Vệ Đà của Hindu giáo) vào trường học từ năm 2022 làm dấy lên cuộc tranh cãi lớn trong dư luận.

Cốt lõi của học thuyết Darwin là ý tưởng cho rằng tất cả các loài sinh vật đều có nguồn gốc từ tổ tiên chung theo thời gian thông qua một quá trình thay đổi dần dần. Darwin đề xuất rằng các cá thể trong quần thể sở hữu các biến thể và những cá thể có đặc điểm thuận lợi có nhiều khả năng sống sót và sinh sản hơn, truyền lại những đặc điểm đó cho con cháu của chúng. 

Lý thuyết của Darwin đã thách thức niềm tin phổ biến của các tôn giáo về muôn loài. Thực tế, đa số các tôn giáo lớn như Kitô giáo hay Hồi giáo đều không chính thức công nhận Thuyết tiến hoá. Theo Kinh Thánh và Kinh Koran thì Chúa trời đã tạo ra thế giới gồm cả vũ trụ và sinh vật sống trong 6 ngày.

Theo Kinh Khởi Thế Nhân Bổn của Phật giáo, nguồn gốc loài người được xuất phát từ một thế giới khác có tên là Quang Âm Thiên. Tuy nhiên, lý thuyết này phù hợp với lời dạy của Đức Phật về tính liên tục sinh khởi và tiến hóa của vạn vật, dựa trên vô số nhân duyên và con người, động vật đều nằm trong dòng luân lưu vô thường này.

Tử Huy