Thách thức thu gom chất thải nhựa, phân loại đầu nguồn

Việc phân loại chất thải nhựa (CTN) đầu nguồn là công việc quan trọng trong quá trình tái chế, tuy nhiên việc phân loại CTR từ công cộng cho đến các hộ gia đình đều chưa được thực hiện đúng cách. Một điều dễ thấy nhất là các bãi rác tự phát xuất hiện dầy đặc trên các đường phố Việt Nam, bên cạnh nhận thức về việc vứt rác đúng nơi quy định của người dân thì một trong những nguyên nhân chính gây ra điều này này là việc thiếu hụt những thùng rác tại nơi công cộng và các thùng rác phân loại thì lại càng hiếm.

Và thậm chí khi bạn muốn vứt rác đúng nơi quy định thì cũng thật khó để tìm được những thùng rác này. Bên cạnh đó, việc phân loại CTN ở các hộ gia đình chưa được thực hiện hiệu quả, chủ yếu chỉ được thực hiện bởi những người lớn tuổi.

thugomrac.jpg
Phân loại rác đầu nguồn còn gặp khó khăn.

Việc quản lý CTN và CTRSH đồng thời, cũng gây khó khăn trong việc kiểm soát, thu gom CTN. Thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn còn phổ biến và thường được tìm thấy nhiều trong CTRSH. Việc không phân loại CTN đã tạo nên nguồn nhựa phế liệu lẫn tạp chất cao, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, dẫn đến việc phụ thuộc vào nhựa phế liệu nhập khẩu. 

Chi phí tái chế, vốn mở ban đầu cao nhưng thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp, sự chênh lệch không đáng kể giữa mua vào và bán ra là những thách thức và hạn chế lớn mà đơn vị thu mua CTN, tái chế vừa và nhỏ đang phải đối mặt. 

Với chính sách EPR thì các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức, thiết lập, vận hành mạng lưới thu hồi, thực hiện trách nhiệm tái chế và xử lý bao bì nhựa sau khi thải bỏ. Các hoạt động thu gom, tái chế CTN chủ yếu dựa vào khu vực phi chính thức gồm người nhặt phế liệu, cơ sở thu mua và kinh doanh phế liệu để bán cho các cơ sở tái chế. 

Việc tiếp cận thông tin, dữ liệu thị trường còn khó khăn. Công tác phổ biến cơ chế, chính sách mới đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dân còn hạn chế

Lực lượng lao động chủ yếu ở trình độ, tay nghề thấp:. Các cơ sở tái chế CTN ở các làng nghề có quy mô nhỏ, máy móc thiết bị cũ, gây phát thải khối lượng lớn CTN ra môi trường xung quanh đồng thời cạnh tranh với khu vực chính thức về nguồn nhựa phế liệu trong nước.

Các giải pháp cho ngành tái chế

Giảm gánh nặng phân loại và thu gom CTN đầu nguồn

Để nâng cao ý thức người dân thì việc bổ sung, lấp đầy các thùng rác phân loại nơi công cộng là cần thiết và cấp bách. Tại Hồng Kông, một tổ chức phi chính phủ Drink Without Waste đã khuyến khích việc thu gom CTN bằng các đặt máy thu gom chai nhựa tại các địa điểm công cộng để đổi lấy phần thưởng.

Đẩy mạnh hơn nữa tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện quy định về phân loại CTRSH tại nguồn theo Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để nâng cao chất lượng của nhựa phế liệu trong nước, tạo thêm nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp tái chế. 

Xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thu gom và tái chế CTN. Thu hút khu vực tư nhân trong đầu tư và hợp tác để cải thiện hạ tầng quản lý chất thải; thu mua và sử dụng nhựa tái chế cho bao bì sản phẩm.

Cung cấp hướng dẫn về ưu đãi, hỗ trợ đất đai, đầu tư, và tiếp cận Quỹ BVMT Việt Nam; giảm rào cản thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các hỗ trợ cho hoạt động tái chế.

Phân tách việc quản lý CTN và CTRSH, thiết lập mức thuế bảo vệ môi trường hợp lý để giảm sản xuất và sử dụng nhựa gây hại cho môi trường.

phanloairac.png
Phân loại rác để thu gom các phế liệu có thể tái chế.

Xây dựng hệ thống cơ sở thông tin dữ liệu, diễn đàn chung để các doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cân các thông tin dữ liệu, chính sách cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để cơ chế, chính sách mới thực sự đi vào hoạt động của doanh nghiệp, đời sống, cũng như góp phần nâng cao ý thức của người dân. 

Thúc đẩy nghiên cứu và áp dụng công nghệ để tái chế nhựa có giá trị thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế, thị trường hiện nay. Nâng cao trình độ quản lý và công nghệ để chính thức hóa hoạt động tái chế CTN tại các làng nghề. Kiểm soát yêu cầu bảo vệ môi trường, hỗ trợ chuyển đổi tái chế phi chính thức sang chính thức. Tăng cường liên kết giữa cơ sở tái chế phi chính thức và doanh nghiệp tái chế chính thức, thúc đẩy khu vực phi chính thức tham gia hệ thống thu hồi bao bì nhựa để tái chế chính thức. 

Như vậy, mặc dù trong những năm gần đây việc tái chế CTN ngày càng được quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi, theo đó bước đầu đã hình thành chuỗi giá trị và tạo lập thị trường, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn, quy mô chưa tương xứng so với dung lượng thị trường và nhu cầu thực tế. Do đó cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách, cơ chế, dự án nhằm khuyến khích, thúc đẩy từ công tác thu gom, phân loại đến tái chế CTN được áp dụng trên quy mô rộng và đồng bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập kinh tế cũng như góp phần xử lý vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường hiện nay.  

Quang Minh