Hộp số tự động được sinh ra để mang lại sự tiện lợi và dễ dàng điều khiển hơn đối với những người sử dụng ô tô. Mặc dù dễ sử dụng hơn so với hộp số sàn nhưng người lái xe vẫn cần có những thói quen quan trọng, cần nằm lòng để giúp đảm bảo an toàn và tuổi thọ hộp số.

Chỉ sử dụng chân phải để phanh hoặc ga

Việc chỉ sử dụng chân phải để đạp ga hoặc phanh trên xe số tự động là một thói quen quan trọng, giúp đảm bảo an toàn khi lái xe thay vì dùng hai chân. Điều này giúp người lái duy trì một phản xạ nhất quán và tránh nhầm lẫn giữa bàn đạp ga và phanh, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp.

xe so tu dong 1.jpeg
Chỉ sử dụng chân phải để điều khiển chân ga, phanh. Ảnh: Vietmap

Sử dụng chân phải để điều khiển giúp người lái dễ dàng hơn trong việc duy trì tư thế lái xe thoải mái và tự nhiên. Ngoài ra,  sử dụng chân phải cho cả hai bàn đạp, người lái có thể dễ dàng chuyển đổi giữa ga và phanh mà không cần phải thay đổi tư thế chân quá nhiều.

Sử dụng chân trái để phanh có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm. Khi người lái có thể vô tình nhấn cả hai bàn đạp cùng lúc, gây ra tình trạng "kéo chân" khi cả ga và phanh đều được kích hoạt. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mất kiểm soát xe.

Chuyển số khi xe đã dừng hẳn

Chuyển số khi xe đã dừng hẳn giúp đảm bảo rằng hệ thống hộp số hoạt động mượt mà và không bị áp lực không cần thiết. Điều này cũng giúp cải thiện tuổi thọ của hộp số, giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề kỹ thuật trong quá trình sử dụng. 

Ngoài ra, dừng xe hoàn toàn trước khi chuyển số, người lái có thể kiểm soát tốt hơn và tránh những cú giật bất ngờ có thể làm mất ổn định xe, đặc biệt là trong các tình huống đỗ xe hoặc khi cần phải quay đầu trên đường hẹp.

xe so tu dong 3.jpg
Chỉ chuyển số khi xe đã dừng hẳn. Ảnh: Carmedia

Nói về những tác hại, khi xe còn di chuyển, lăn bánh, bánh răng liên kết đầu trục hộp số vẫn quay và việc người lái chuyển từ số D (Drive) sang số R (Reverse) hoặc P (Park), chốt khoá sẽ gây áp lực lên bánh răng, có thể làm mài mòn, nứt hoặc gãy chốt khiến hộp số hư hỏng, chi phí sửa chữa tốn kém.

Không sử dụng số P (Park) để đỗ xe trên dốc

Khi đỗ xe trên dốc, không nên chỉ dựa vào chế độ "P" (Park) để giữ xe ở vị trí cố định vì điều này có thể gây hư hỏng hộp số và làm giảm hiệu quả của phanh tay.

xe so tu dong 2.jpeg
Không nên sử dụng duy nhất số P để đỗ xe trên dốc. Ảnh: Dothanh Auto

Để đỗ xe đúng cách trên dốc, trước hết hãy kéo phanh tay trước khi chuyển sang số P. Phanh tay sẽ giữ cho bánh xe ở vị trí cố định, giảm áp lực lên chốt khóa hộp số. Sau khi phanh tay đã được kéo và bánh xe đã được giữ chặt, lúc này mới chuyển cần số sang số P.

Nếu ngay từ đầu chuyển sang số P trước, một chốt khóa sẽ được đưa vào rãnh trên bánh răng để ngăn bánh xe quay. Trên một bề mặt dốc, toàn bộ trọng lượng của xe sẽ dồn lên chốt khóa này, về lâu dài khiến chốt khóa bị mòn hoặc gãy, gây hư hỏng cơ cấu bên trong hộp số.

Hạn chế đỗ xe để động cơ chạy không tải

Đỗ xe với động cơ vẫn chạy trong thời gian dài có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với hộp số tự động.

Khi xe đang đỗ mà động cơ vẫn chạy, hệ thống hộp số vẫn phải hoạt động để duy trì trạng thái chờ. Điều này có nghĩa là các bộ phận bên trong hộp số vẫn phải chịu áp lực và sự ma sát liên tục khiến nhiệt độ của dầu hộp số tăng lên.

Nhiệt độ dầu tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả bôi trơn và làm mát, dẫn đến sự hao mòn nhanh chóng của các bộ phận cơ khí, chi tiết bên trong và làm giảm tuổi thọ của hộp số.

Thường xuyên kiểm tra dầu hộp số

Dầu hộp số bẩn hoặc thiếu có thể gây hại nghiêm trọng cho hộp số. Một hộp số hoạt động hiệu quả cần được bôi trơn tốt, vì vậy hãy đảm bảo dầu hộp số luôn ở mức ổn định. Nếu phát hiện dầu hộp số có màu lạ hoặc có mùi cháy, hãy đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra ngay lập tức.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!