Tháng 3/2020, Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb qua đời ở tuổi 83, sau khi bị vỡ phình mạch. Tuy nhiên, lúc đó các nước đều phải phong tỏa, cách ly xã hội vì dịch bệnh Covid-19, nên Amélie Nothomb đã không thể gặp và nói lời tạm biệt người cha quá cố. 

Tác phẩm “Dòng máu cao quý” được nữ văn sĩ viết như một món quà tặng đặc biệt gửi tặng ông.

Tác phẩm “Dòng máu cao quý” là món quà tặng đặc biệt mà nữ văn sĩ Amélie Nothomb gửi tặng cha mình. 

Amélie Nothomb đã nhập vai cha mình để kể lại câu chuyện thời thơ ấu của ông vào những năm 1940 - 1964. Tác phẩm ngắn gọn, súc tích, bắt đầu bằng những ký ức tuổi thơ, vừa mang tính riêng tư lại vừa mang tính phổ biến.

Mở đầu khá kịch tính: Patrick Nothomb cùng với hàng trăm đồng bào Bỉ bị quân nổi loạn tại Stanleyville (nay là Kisangani, Cộng hoà Dân chủ Congo) bắt giữ làm con tin, và suýt mất mạng ở đó: “Người ta đưa tôi đến trước đội hành quyết. […] Mười hai người đàn ông bắt đầu nhắm nòng súng vào tôi. Liệu tôi có thấy lại cuộc đời mình lướt qua trước mắt? Điều duy nhất tôi cảm thấy là một cuộc cách mạng phi thường: Tôi còn sống. Mỗi thời khắc đều có thể cắt nhỏ đến vô tận, cái chết sẽ không thể bắt kịp tôi, tôi chìm trong hạt nhân cứng của hiện tại”.

Tiếp đó là “cuốn phim” tái hiện tuổi thơ của một cậu bé bị mẹ bỏ bê, được ông bà nuôi nấng, lên 6 tuổi thì chuyển tới nhà nội - nam tước Pierre Nothomb - quý tộc hết thời sống ở tòa lâu đài xây từ thế kỷ 17, nhưng không đủ ăn.

Patrick bị hấp dẫn bởi tính cách hào sảng nhưng luôn ảo tưởng mình là thiên tài văn học của ông nội hay các cô chú có phần hoang dã. Cậu phải tranh giành đồ ăn thừa với đám anh em họ, chui rúc trong một căn phòng lạnh buốt vào mùa đông. Dù thiếu thốn và trải qua nhiều thử thách, cậu cảm nhận hạnh phúc, dần học cách mạnh mẽ, gan dạ.

Nhịp độ của câu chuyện tăng nhanh khi Patrick trưởng thành, kết hôn với Danièle bất chấp sự ngăn cấm từ ông nội, trở thành nhân viên ngoại giao, đón đứa con đầu lòng với cái ôm siết đầy xúc động….

Đặc biệt gây ấn tượng với độc giả là chặng đường Patrick bôn ba tới nhiều quốc gia với vai trò Đại sứ Bỉ. Ông trải qua nhiều cuộc đấu trí căng thẳng, thậm chí suýt mất mạng trong bạo loạn. Những cuộc đấu trí căng thẳng, những màn đối đáp khéo léo của chàng nhân viên lãnh sự trẻ tuổi Patrick Nothomb với Tổng thống Gbenye trong nỗ lực cứu sống bản thân và những người dân Bỉ đang bị giam giữ khiến độc giả bị cuốn hút theo từng trang sách.

Với giọng văn dịu dàng, hài hước và cảm động, nữ văn sĩ Amélie Nothomb đã dựng lại chân dung cha mình - một con người mạnh mẽ, đầy thấu cảm và can trường.

Theo Tiến sĩ - Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Quyên, “Dòng máu cao quý” có sự hòa trộn giữa những nhân vật có thật trong đời sống và sự tưởng tượng có phần hài hước, châm biếm nhưng cũng dựa trên những sự kiện có thật. Toàn bộ tác phẩm được xây dựng theo kiểu hư cấu tự sự. 

Phó giáo sư – Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên cũng đánh giá cao việc nữ văn sĩ đã vượt ra khỏi ranh giới của một tác phẩm văn học để viết với sự hư cấu và tự thuật hòa trộn với nhau, có thể hấp dẫn đa dạng đối tượng độc giả, từ tuổi teen cho đến trưởng thành.

Năm 2021, tiểu thuyết “Dòng máu cao quý” của Amélie Nothomb giành giải Renaudot, một giải thưởng văn chương danh giá có tuổi đời gần một trăm năm. 

““Dòng máu cao quý” là cuốn tiểu thuyết thứ 30 của tác giả Amélie Nothom, từng giành nhiều giải thưởng cao quý bên cạnh giải Renaudot. Nữ văn sĩ cũng được ghi tên vào từ điển của Viện Hàn lâm của Bỉ và được giới Pháp ngữ đánh giá cao”, ông Nicolas Dervaux, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam cho biết thêm.

Amélie Nothomb là cái tên quen thuộc của nền văn học đương đại, đặc biệt tại các nước nói tiếng Pháp. Bà được biết đến như một nhà văn kỳ lạ và bí ẩn với văn phong hài hước, giàu liên tưởng.

Chào đời tại Kobe (Nhật Bản) năm 1967, Amélie Nothomb là con gái của Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb. Bà đã viết gần trăm cuốn tiểu thuyết nhưng mới xuất bản 30 cuốn. 

Một số cuốn sách của nữ văn sĩ người Bỉ đã được Nhã Nam phát hành tại Việt Nam gồm: “Hồi ức kẻ sát nhân”, “Hủy hoại vì yêu”, “Sững sờ và run rẩy”, “Kẻ hai mặt”, “Axit sunfuric”, “Nhật ký chim én”, “Vòng tay samurai”...

Phạm Bình Minh, Lê Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Lan Anh