Đạo đức là nền tảng gắn kết báo chí với doanh nghiệp

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo VietNamNet bày tỏ: “Khi tôi nhận được chủ đề tham luận này, tôi đã dành thời gian đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Doanh nghiệp nghĩ gì về báo chí?”.

Theo ông Nguyễn Văn Bá, có rất nhiều góc nhìn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. “Với cá nhân mình, tôi đúc rút thành hai từ khóa, đó chính là 'thông tin' và 'giá trị'", ông Bá chia sẻ.

nguyen ba 2.jpg
Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá trình bày tham luận tại Diễn đàn báo chí toàn quốc. Ảnh: Nguyễn Huế

Về "thông tin", theo ông Bá, đó là chất liệu của doanh nghiệp mà báo chí muốn khai thác, là đề tài và cũng chính là cảm hứng sáng tạo. Đó cũng là những vấn đề thể hiện góc nhìn, quan điểm của một nhà báo hay một tờ báo về các vấn đề nói chung trong xã hội.

Ông Bá nhận định, nếu không có những hoạt động sôi động cùng những câu chuyện của doanh nghiệp thì báo chí sẽ thiếu đi những đề tài rất rộng lớn, đề tài hay.

Với doanh nghiệp, khi có thông tin, luôn tìm những kênh báo chí để truyền tải đến với khách hàng, đối tác và cộng đồng, vì báo chí là một trong những kênh truyền thông hiệu quả nhất, bởi sức lan tỏa, uy tín của mình. Từ đó, sẽ giúp khách hàng tiếp cận được thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp, tầm nhìn sứ mệnh, con đường doanh nghiệp đang đi, khát vọng mà doanh nghiệp hướng tới.

Về "giá trị", ông Bá cho rằng, những thông tin này sẽ tạo ra giá trị với báo chí, giúp báo chí thực hiện sứ mệnh của mình trong việc phản ánh chân thực đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, mỗi nhà báo, mỗi người làm báo sẽ tạo ra uy tín, chỗ đứng riêng.

Báo chí lan tỏa những câu chuyện, tấm gương về doanh nghiệp để tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh. Chính những doanh nghiệp xuất sắc, có khát vọng sẽ tạo ra khát vọng Việt Nam.

Bên cạnh đó, hợp tác với doanh nghiệp, báo chí cũng có thêm giá trị về nguồn thu từ sự đồng hành của doanh nghiệp. “Hiện tại, đây vẫn là nguồn thu quan trọng đối với các cơ quan báo chí”, ông Bá cho biết.

Ở chiều ngược lại, khi thương hiệu xuất hiện trên những tờ báo uy tín thì đó không chỉ là cây cầu nối hiệu quả với khách hàng, đối tác mà còn là sự bảo chứng uy tín và lan tỏa thương hiệu cho doanh nghiệp.  

Ông Nguyễn Văn Bá nhận định, nền tảng cho mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là đạo đức.

Ông diễn giải, trong thực tế, đã xảy ra tình trạng một bộ phận báo chí đưa tin thiếu khách quan, thiếu tương tác với doanh nghiệp, thậm chí là đe dọa gây tổn hại cho doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến việc doanh nghiệp mất lòng tin vào các cơ quan báo chí.

Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp tồn tại với những phương thức kinh doanh thiếu minh bạch, không tuân thủ pháp lý, bất chấp những quy định của pháp luật.

“Để mối quan hệ này tạo ra giá trị thì doanh nghiệp phải kinh doanh minh bạch, có đạo đức, thượng tôn pháp luật, có đóng góp thực sự cho xã hội.

Với báo chí, phải thực hiện đúng sứ mệnh của mình và truyền thông mang tính xây dựng, lan tỏa được niềm tin và những điều tốt đẹp, góp phần tạo ra sự thịnh vượng chung”, ông Nguyễn Bá đúc kết.

Theo Tổng Biên tập Báo VietNamNet, hiện nay, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp cần phải xây dựng văn hóa hợp tác dựa trên sự chủ động và minh bạch. Từ đó mới tạo ra được những thông tin chính xác, giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp cũng như giá trị của cơ quan báo chí.

“Trách nhiệm, danh dự, uy tín nghề nghiệp, lý tưởng của báo chí và khát vọng của doanh nghiệp sẽ tạo ra một xã hội phồn vinh và phát triển, lan tỏa điều tích cực, truyền cảm hứng trên Hành trình Việt Nam 2045 (đặc san Xuân Giáp Thìn 2024 của Báo VietNamnet - PV)”, ông Nguyễn Bá nhấn mạnh.

Làm báo sạch, tử tế sẽ sống khỏe

Trong phiên thảo luận chung, ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới quan hệ công chúng Việt Nam thông tin, các công ty lớn hiện nay không xem quảng cáo mang tính chủ đạo mà lựa chọn hợp tác liên kết.

Theo ông Mỹ, doanh nghiệp hướng tới việc xây dựng niềm tin. Họ hướng đến mô hình “hợp tác đa chiều”, trong đó có vai trò của báo chí. Do đó, truyền thông có trách nhiệm, truyền thông nhân văn… sẽ lan tỏa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa doanh nghiệp với báo chí.

khoamy 2.jpg
Ông Nguyễn Khoa Mỹ cho rằng, các doanh nghiệp lớn đang hướng tới mối quan hệ hợp tác đa chiều hơn là quảng cáo đơn thuần trên báo chí. Ảnh: Nguyễn Huế

Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty Unilever Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật trong hoạt động của mình. Chúng tôi cũng luôn hỗ trợ báo chí chính thống để an toàn cho mình, tạo uy tín cho mình".

Bà Nhi cho rằng, các cơ quan báo chí cho doanh nghiệp thêm nhiều lựa chọn trong thời đại công nghệ số bùng nổ. "Chúng tôi vẫn luôn hợp tác chặt chẽ với báo chí chính thống, nhất là trong các sự kiện truyền thông, các chương trình mang tính cộng đồng”, bà Nhi khẳng định.

Góp ý mang tính định hướng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng đang bị chi phối bởi lý thuyết truyền thông và thuật toán đếm view (lượt xem - PV). View là quan trọng, view càng nhiều càng thu hút quảng cáo mà không cần bàn đến view tốt hay xấu.

Lý thuyết và thuật toán đó đang có lợi cho một số nền tảng trên không gian mạng, kể cả những nền tảng xấu và độc hại.

thanhlam 2.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cùng các diễn giả tại buổi thảo luận. Ảnh: Nguyễn Huế

“Các cơ quan quản lý đã nhận diện vấn đề và có giải pháp nắn dòng tiền, không thể để tiền quảng cáo của người dân Việt Nam đi vào những trang quảng cáo có hại, mất thuần phong mỹ tục”, ông Lâm thông tin.

Nêu ý kiến thêm về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, mối quan hệ của ba đối tác báo chí - doanh nghiệp - đại lý quảng cáo ngày xưa rất mặn nồng, nhưng có vẻ như đã và đang rạn nứt trong thời gian gần đây.

Theo ông Lê Quang Tự Do, cách đây 10 năm, báo chí thấy vẫn "sống khỏe", nhưng khi xã hội bùng nổ công nghệ thì báo chí bắt đầu "lâm nguy".

Tuy nhiên, dù "lâm nguy" nhưng các cơ quan báo chí vẫn chưa thay đổi mình. Cụ thể, có tới 63% cơ quan báo chí trong tình trạng chuyển đổi số yếu kém; chỉ có 3,66% cơ quan là xuất sắc trong việc này. Trong khi đó, báo chí là những cơ quan cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời đại bùng nổ công nghệ số.

tudo 3.jpg
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: Nguyễn Huế

Ông Lê Quang Tự Do cũng nhận định, thực tế, lượng người đọc đang chi phối quảng cáo. Tờ báo nào nhiều người đọc thì thu hút quảng cáo nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các nhãn hàng cũng đang có xu thế chạy theo view mà không cần biết view tốt hay xấu. Đại lý quảng cáo thì chạy theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp mà không dám tư vấn thế nào là view xấu, view tốt.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang có chiến dịch với thông điệp là làm nội dung sạch, tốt và có lợi ích cho cộng đồng thì sống khỏe và được sống. “Rất mong các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng ủng hộ chiến dịch này, với việc những người nào làm nội dung sạch, nội dung tốt thì nên ưu tiên quảng cáo”, ông Lê Quang Tự Do bày tỏ.