1. Trong sự nghiệp của mình, Thiếu tướng, bác sĩ Đỗ Hoài Nam - nguyên Viện trưởng Viện Quân y 175, đã thực hiện bao nhiêu ca mổ?

  • 200
  • 600
  • 1.200
Chính xác

Bác sĩ Đỗ Hoài Nam sinh năm 1931 tại làng Hội Cư, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Hội Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Tháng 12/1950, ông nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Mỹ Tho. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1960, ông trở về miền Nam, làm Viện trưởng Viện Quân y A72. 

Từ năm 1961 đến năm 1973, bác sĩ Nam đảm nhiệm nhiều cương vị công tác, đồng thời trực tiếp phẫu thuật cho khoảng 1.200 bệnh nhân. Ông từng tham gia điều trị nhiều ca phức tạp như mổ hộp sọ não lấy ngoại vật, khâu vá màng não; mổ vết thương cột sống; mổ vết thương vừa vỡ gan vừa thủng dạ dày… Ông nổi tiếng là người có phong thái điềm đạm, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho các ca mổ khó. Các đồng nghiệp, học trò vẫn gọi ông với cái tên thân thương “Chú Ba”. 

Sau năm 1975, ông làm Viện trưởng Viện Quân y 175. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng, là vị tướng đầu tiên của Bệnh viện Quân y 175 và ngành quân y phía Nam.

2. Thiếu tướng, Giáo sư Lê Thế Trung từng làm công việc gì trước khi theo ngành y?

  • Nông dân
  • Công nhân ngành in
  • Thợ mỏ
Chính xác

Thiếu tướng, Giáo sư Lê Thế Trung sinh năm 1928, quê ở xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì (nay là phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), TP Hà Nội. Ông vốn là công nhân ngành in, sau đó theo học y tá rồi dần theo tiếp lên cao. Bác sĩ Trung dành nhiều thời gian nghiên cứu về các vấn đề ngoại khoa, đạt nhiều thành công trong xử trí vết thương, đặc biệt do bỏng. Sau này, ông trở thành nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về điều trị bỏng, ghép tạng và y học thảm họa. 

Ông là người khởi xướng xây dựng Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Ông cũng từng đảm nhiệm cương vị Giám đốc Học viện Quân y, là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện các ca ghép thận và ghép gan  đầu tiên ở Việt Nam. 

3. Trong ca mổ cho thương binh của Thiếu tướng, bác sĩ Phạm Gia Triệu tại Viện Quân y 108 vào tháng 4/1972 đã xảy ra sự cố gì?

  • Bom bắn phá
  • Mất điện
  • Hết máu truyền cho bệnh nhân
Chính xác

Sau khi tham gia nội trú tại Bệnh viện Yersin (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày nay) và Bệnh viện De Lanessan (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), bác sĩ Phạm Gia Triệu tham gia quân y, cứu chữa cho thương bệnh binh ngoài chiến trường. Tháng 7/1954, ông được cử sang Liên Xô (cũ) học về phẫu thuật thần kinh tại Viện Phẫu thuật Thần kinh Burdenko. Về nước, ông được giao làm Viện phó ngoại khoa Viện quân y 108. 

Năm 1968, ông vào Mặt trận B5 - Quảng Trị chỉ đạo cấp cứu ngoại khoa và trực tiếp phẫu thuật các ca liên quan đến sọ não, cột sống với hàng trăm ca mổ thành công. 

Theo báo Quân đội Nhân dân, tháng 4/1972, ca phẫu thuật áp xe sọ não cho thương binh Lò Văn Phèn đang tiến hành thì máy bay Mỹ bắn phá. Mảnh vỡ rơi trúng khu vực phòng mổ làm kính đèn mổ vỡ vụn. Cả kíp mổ kịp thời che chắn cho thương binh. Một mảnh bắn vào trán gây thương tích trên mặt của bác sĩ Phạm Gia Triệu nhưng ông vẫn bình tĩnh lệnh cho kíp mổ sơ tán, còn bản thân ở lại với thương binh. Buổi tối hôm đó, ông tiến hành mổ lại và thương binh Lò Văn Phèn được cứu sống. 

4. Khi còn trẻ, Thiếu tướng, bác sĩ Vũ Văn Cẩn từng bị quân địch bắt giam tại đâu?

  • Hà Nội
  • Hải Phòng
  • Huế
Chính xác

Khi theo học Đại học Y khoa Hà Nội, bác sĩ Vũ Văn Cẩn tích cực tham gia Tổng hội sinh viên yêu nước, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, tuyên truyền nếp sống vệ sinh... Năm 1943, ông tốt nghiệp Đại học Y khoa, với luận văn góp phần điều trị bệnh mắt hột thường gặp. 

Đầu năm 1944, thực dân Pháp trưng tập ông cùng một số bác sĩ khác vào quân đội rồi buộc ông chạy sang Trung Quốc khi có đảo chính. Nhưng ông trốn về Hà Nội và tiếp tục hoạt động trong Tổng hội sinh viên yêu nước.

Cuối năm 1944, ông bị quân đội Nhật bắt giam tại hầm nhà dầu Shell, phố Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được giải thoát. Tháng 9/1945, bác sĩ Cẩn tình nguyện ra nhập Quân đội cách mạng và được cử làm Giám đốc Ban Y tế Giải phóng quân.

Ngày 25/3/1946, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân y, có đóng góp lớn trong công tác điều trị căn bệnh sốt rét nguy hiểm ngoài chiến trường. Từ năm 1975 tới 1982, ông đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Y tế. 

5. Gia đình bác sĩ nào có cả cha và con cùng được phong tướng?

  • Bác sĩ Lê Thế Trung
  • Bác sĩ Phạm Gia Triệu
  • Cả hai
Chính xác

Đại gia đình bác sĩ Lê Thế Trung có hơn 10 người công tác trong ngành y. Trong đó có 2 người được thăng quân hàm cấp tướng (Giáo sư Lê Thế Trung và con trai là Giáo sư Lê Trung Hải), 3 tiến sĩ y khoa và 3 người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ.

Thiếu tướng, bác sĩ Phạm Gia Triệu có con trai là Thiếu tướng, Phó giáo sư Phạm Hòa Bình. Cả hai cha con đều từng là Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108.