Nhìn cơ ngơi trang trại của gia đình chị Phạm Thị Thanh (thôn Dưỡng Chính xã Yên Khánh, huyện Ý Yên, Nam Định), ít ai nghĩ  mới 5 năm trước, chị vốn thuộc diện hộ nghèo.

Trước đây, ruộng đất rộng nhưng đồng trũng, gia đình chị chỉ cấy lúa nên sản xuất không hiệu quả, thu nhập bấp bênh, quẩn quanh khó khăn. Năm 2019, nhờ nguồn vốn vay 50 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ý Yên và "gói ghém" cùng ít vốn dành dụm được, gia đình chị quyết tâm đầu tư cải tạo, chuyển đổi trên diện tích 1,2 mẫu đất, vừa đào ao nuôi cá, vừa nuôi gà vịt, trồng cây ăn quả.

Sự mạnh dạn cùng với ý chí lao động, vươn lên, gia đình chị Thanh bắt đầu có thêm thu nhập ổn định, trả lãi nợ theo quy định. Hơn 2 năm sau, gia đình chị chính thức thoát nghèo. Tới năm 2022, gia đình chị tiếp tục được cho vay 80 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Chị tiếp tục đào thêm ao, trồng thêm cây ăn trái, nuôi thêm gà, vịt, tăng gấp đôi thu nhập hằng tháng.

Từ số tiền này, không chỉ thoát nghèo vững chắc, gia đình chị Thanh còn sửa sang được căn nhà cũ xuống cấp, trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.  

Gia đình chị Thanh là một trong nhiều trường hợp thoát nghèo bền vững của huyện Ý Yên nhờ nguồn vốn vay kịp thời từ nhà nước và ý chí vươn lên nội tại. 

Tại huyện Ý Yên, giảm nghèo bền vững được gắn chặt với tiến trình xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, dự án khác. Người dân, nhất là hộ nghèo, tại huyện này được tạo sinh kế bền vững, việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Không những thế, người nghèo, hộ nghèo cũng được quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi các chiều dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Thời gian qua, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách giảm nghèo. Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt tỷ lệ 100%. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, được đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như chị Thanh còn được tiếp cận các mô hình sản xuất có hiệu quả, hỗ trợ vật nuôi để phát triển sản xuất, tập huấn nâng cao trình độ, đổi mới phương thức sản xuất. Người lao động có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm, tạo sinh kế ổn định.

Được sự hỗ trợ đồng bộ, toàn diện của Nhà nước, cộng đồng, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tích cực vươn lên, từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống.

Gia đình chị Dương Thị Nhung, ở xóm 3, xã Yên Đồng, là hộ mới thoát nghèo, gỡ vướng mắc về kinh tế, giúp các con được đi học nhờ vốn tín dụng ưu đãi. Hai vợ chồng chị đều là công nhân may mặc, đồng lương eo hẹp không đủ sức nuôi 3 con nhỏ. Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp vốn 80 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo cộng với vốn tích lũy của gia đình, gia đình chị mua cặp bò giống về chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Dự kiến, khi bò sinh sản, trừ chi phí, mỗi năm giúp gia đình có thêm từ 10-20 triệu đồng để tăng thu nhập, dần ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững.

W-Giảm nghèo   (46).jpg
Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại Ý Yên giảm dần qua các năm. 

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại Ý Yên giảm dần qua các năm, duy trì mức giảm hàng năm từ 0,2-0,4%.

Năm 2022, toàn huyện có 1.492 hộ, chiếm tỷ lệ 1,86%; 2.931 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,66%. Năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 1.373 hộ, tỷ lệ 1,71%; hộ cận nghèo giảm còn 2.651 hộ, tỷ lệ đạt 3,31%. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 1,6%.

Theo UBND huyện Ý Yên, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn triển khai các nội dung dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình đảm bảo đúng quy định.