Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn Thanh Bồng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vốn thuộc diện hộ nghèo. Chồng mất sớm vì bệnh tật, chị Huệ một mình gồng gánh con thơ, cuộc sống nhiều khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, Đoàn Thanh niên xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn trong thôn đã hỗ trợ gia đình chị được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 70 triệu đồng.

Có vốn, chị mạnh dạn mua một số con giống về nuôi; trồng ngô, hoa màu và mua cây keo giống về trồng xen canh. Hiện nay, vườn cây trồng, chăn nuôi đang sinh sôi, phát triển tốt; đàn dê, bò giống cũng đến kỳ sinh sản, xuất chuồng, kinh tế gia đình chị từng bước ổn định, thoát nghèo.

Cũng tại huyện Thanh Liêm, xã Thanh Nguyên xác định một trong những đích đến của chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nâng cao mức sống của nhân dân, vì thế, xã rất quan tâm thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Lãnh đạo xã cho biết địa phương quan tâm tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ người nghèo về nhiều chiều thiếu hụt như nhà ở, việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, vay vốn ưu đãi, dạy nghề... Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm cải thiện thu nhập.

W-Giảm nghèo  .jpg
Các địa phương tập trung thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác giảm nghèo.

Năm 2023, toàn xã có 260 người được giải quyết việc làm mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,85%. Năm 2024, 2025, xã đặt mục tiêu giảm 0,1% tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm.

Lãnh đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Liêm cho biết huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác giảm nghèo, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, thông tin… được lồng ghép triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

Năm 2023, tổng số hộ nghèo của huyện Thanh Liêm là 565, chiếm 1,38%, giảm 209 hộ (tương ứng với 0,47%) so với năm 2022. Tổng số hộ cận nghèo là 885, chiếm 2,16%, giảm 179 hộ (tương ứng 0,38%) so với năm 2022.  

Không để người nghèo thiếu hụt về nhà ở, năm 2023, từ nguồn xã hội hóa, huyện đã hỗ trợ xây dựng 53 ngôi nhà cho các đối tượng là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, hộ nghèo với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Liêm, từ năm 2019 đến năm 2023 ở Thanh Liêm có 149 hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng.  

4 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Liêm đã cho vay vốn sản xuất kinh doanh đối với hơn 500 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ vốn cải tạo và xây mới công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn đối với 686 lượt hộ.

Quan tâm đến chiều thiếu hụt việc làm, huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 4.000 lao động, trong đó 106 người đi xuất khẩu lao động. 6 tháng đầu năm 2024, huyện giải quyết việc làm mới cho trên 2.000 người, đạt 51,8% kế hoạch năm. Học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo cũng được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp. 

 Đồng hành với người nghèo trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, huyện hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 828 người nghèo với tổng kinh phí hơn 726 triệu đồng; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 1.848 người thuộc hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng; có 231 lượt người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí. 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã cấp thẻ BHYT cho trên 3.000 đối tượng là người nghèo, cận nghèo.

Cùng với thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo thường xuyên, huyện luôn tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi.

Năm 2023, có 30 lượt hộ nghèo, 70 lượt hộ cận nghèo, 10 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ được vay vốn, góp phần tăng tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, giúp giảm nghèo bền vững.

Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,17% vào cuối năm 2024, huyện Thanh Liêm tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, khơi dậy ý thức chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân; Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả...