Vụ tai nạn năm 2018 khiến vợ ông Trần Văn Lực ở thôn Thanh Nga, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam, bị chấn thương cột sống, phải nằm điều trị lâu dài, đi lại khó khăn, không tham gia sản xuất được, sức khỏe yếu.

Một mình ông Lực là lao động chính, vừa lo chăm sóc vợ, vừa lo kinh tế cho cả gia đình, các con ông khi đó còn nhỏ chưa có việc làm. Chi phí chữa bệnh cho vợ càng khiến nỗi lo kinh tế càng nặng gánh, chưa thoát nghèo.

Cuối năm 2018, ông Lực quyết định vay vốn 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để mở rộng thêm chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Hai năm tiếp theo, đàn lợn của gia đình ông phát triển, nhưng dịch tả lợn châu Phi năm 2021 khiến đàn lợn nhà ông nhiễm bệnh, lợn chết dần, từ 80 con chỉ còn 2 con lợn nái. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nỗi lo kinh tế khó khăn lại ập đến.

Lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành với ý chí vươn lên của người dân nghèo, cận nghèo, Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương nơi ông Lực ở đã bình xét cho ông tiếp tục cho vay 100 triệu đồng để tái đàn vào đầu năm 2022. Ông còn cải tạo một phần chuồng lợn để chăn nuôi khoảng 300 con gà đẻ, đem lại nguồn thu nhập ổn định từ việc bán trứng gà, từ 500-600 nghìn đồng/ngày.

Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, không dừng lại ở đó, ông Lực và con trai quyết định mở rộng mô hình vườn ao chuồng, tiếp tục cải tạo ao, thả cá, làm xưởng mộc, gia công một số đồ gỗ nội thất… tạo thêm thu nhập.

Ông Lực kể ban đầu khi làm mô hình chăn nuôi, bản thân ông không có kinh nghiệm, chưa tiếp thu những tiến bộ nên gặp nhiều khó khăn. Không nản chí, ông vừa làm, vừa học hỏi từ nhiều kênh, tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư do huyện, xã tổ chức… Ông cũng chịu khó tham quan các mô hình ở thôn, xóm và trên địa bàn huyện để học hỏi, rút kinh nghiệm.

W-Giảm nghèo   Thạch Thảo (28).jpg
Nhờ tạo được sinh kế, việc làm, nhiều người nghèo nâng thu nhập. 

Nhờ tạo được sinh kế, việc làm cho bản thân và các thành viên trong gia đình, thu nhập tăng lên giúp ông Lực có kinh phí chạy chữa bệnh tật cho vợ. Hiện sức khỏe của vợ ông đã ổn định hơn, có thể phụ giúp việc nhẹ, giúp chồng con yên tâm lao động, sản xuất.

Ông Lực là một trong số hàng nghìn trường hợp được vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Nam để phát triển sản xuất, thoát nghèo, không chỉ tăng thu nhập trong gia đình mà còn giải quyết các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Quan trọng nhất, bản thân ông Lực và các thành viên trong gia đình hay đa số những hộ nghèo, cận nghèo ở Hà Nam đều giữ quyết tâm, ý chí thoát nghèo, từ động lực là sự hỗ trợ đồng hành của Nhà nước, xã hội.

10 năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã giải ngân 7.325 tỷ đồng cho hơn 194.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, số liệu tính đến ngày 30/6/2024. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giúp cho hơn 30 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 21.000 lao động.

Nguồn vốn vay cũng là giải pháp hữu hiệu giúp hơn 14.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; gần 2.000 học sinh được vay vốn để mua máy vi tính, thiết bị đủ điều kiện học tập trực tuyến. Hơn 162.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh được xây dựng, cải tạo từ nguồn vốn vay; cùng đó, hơn 1.400 căn nhà cho hộ nghèo, người thu nhập thấp... cũng được hỗ trợ xây dựng, cải tạo.

Năm 2021, kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 (chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025) cho thấy tỉnh Hà Nam có 10.327 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,69%; 9.875 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,53%.

Các nguyên nhân nghèo được nhận diện chủ yếu là do ốm đau bệnh nặng; cao tuổi, không có sức lao động. Vì thế, trong Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, lãnh đạo tỉnh này đặt ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

Các giải pháp đặt ra nhằm giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt về y tế, việc làm, nhà ở..., trong đó phải lấy người dân là chủ thể của phát triển, thay đổi tư duy về chuẩn nghèo và giảm nghèo. Trong đó, 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí.

5 năm qua, các cấp Mặt trận Tổ quốc trong tỉnh đã vận động được trên 100 tỷ đồng, xây mới trên 400 căn nhà cho người nghèo trị giá trên 20 tỷ đồng, sửa chữa gần 100 nhà với số tiền trên 2 tỷ đồng; hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo về sản xuất, giống vốn và chi phí khám bệnh với số tiền gần 300 triệu đồng.

Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,11% (mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,58% so với năm 2022). Thu nhập bình quân đầu người/tháng đạt hơn 5,1 triệu đồng, trong đó khu vực thành thị đạt hơn 6 triệu đồng, khu vực nông thôn trên 4,7 triệu đồng.

Hà Nam đặt mục tiêu cuối năm 2024 kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều xuống còn 1,96% để phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,56%.