Nếu chỉ nhìn bề ngoài, có lẽ nhiều người nghĩ công việc chị đang làm cũng chỉ đơn giản, nhẹ nhàng. Chỉ khi nghe được tâm sự, nỗi vui buồn chị từng trải qua mới thấu hiểu được nó cũng đầy những áp lực… 

Khóc cùng người nhà bệnh nhân 

Ngày đầu tiên bước vào nghề điều dưỡng, chị Lê Thị Ngọc Gấm, cán bộ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải chứng kiến cảnh hết sức đau lòng: một bé gái nhỏ xíu, nằm thoi thóp trên giường bệnh, hơi thở khó nhọc nhờ vào nhịp bong bóng.

{keywords}
Chị tận tuỵ chăm lo bữa ăn cho bệnh nhân

Thời điểm đó, cả y học và bác sĩ đều bó tay vì căn bệnh viêm cơ tim của bé quá nặng. Nhìn cảnh người nhà quỳ gối cầu xin cứu lấy đứa con họ, nước mắt chị cũng lã chã rơi. Chính từ lần ấy, chị luôn luôn ý thức phải cố gắng nâng cao tay nghề, tận tụy với công việc để không phải hối hận.

Chị Gấm kể, bản thân chị cũng từng sợ bác sĩ tiêm chích nên chị luôn trăn trở làm thế nào để bệnh nhân đỡ sợ nhất, có thể quên đi nỗi đau bệnh tật. Việc lấy ven, chích thuốc cần sự khéo léo, cẩn trọng, chỉ cần sai một ly là có thể làm chệch ven không lấy được. 9 năm cầm kim, thao tác chích thuốc, lấy máu, chị coi bệnh nhân như người thân của mình. Bệnh nhân đau, bản thân chị cũng cảm thấy xót xa.

{keywords}
Chị luôn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ bệnh nhân và thân nhân khi đến khám và chữa bệnh

Chọn ngành điều dưỡng để theo học không chỉ là một đam mê mà chị thật tâm muốn được chia sẻ, chăm sóc cho người bệnh. Công việc khá nhiều áp lực, làm thế nào để hài lòng được bệnh nhân không phải là chuyện dễ dàng. 

“Ngay từ khi còn bé, ở quê mình hiểu được cảm giác đến bệnh viện bỡ ngỡ như thế nào. Bệnh nhân đến viện lo lắng đủ thứ, trong người không được khỏe, dễ sinh cáu gắt. Chính vì vậy mình luôn tự dặn lòng phải cố gắng hết sức. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác. Nếu như mình làm thiếu cẩn trọng là có thể gây phiền toái cho chính bản thân mình, thậm chí bệnh nhân họ còn cho rằng mình làm như vậy để vòi vĩnh”, chị chia sẻ.

{keywords}
Chị Gấm và đồng nghiệp luôn hướng dẫn chu đáo cho bệnh nhân và thân nhân khi đến khám chữa bệnh

Năm 2016, chị Gấm đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn, đó là chuyển sang làm việc tại Phòng Công tác xã hội sau 9 năm gắn bó với nghề điều dưỡng. Tuy nhiên, khi “bén duyên” với công việc mới được một thời gian, chị bắt đầu cảm thấy yêu thích vai trò là nhân viên hướng dẫn, tìm hiểu hoàn cảnh những bệnh nhân khó khăn để tìm cách giúp họ.

Cũng chỉ với suy nghĩ đơn giản, đặt mình vào vị trí của bệnh nhân và người nhà, chị Gấm đã hết lòng quan tâm và nhận được rất nhiều lời động viên, cảm ơn chân thành. Mỗi lần bệnh nhân nghèo được mạnh thường quân giúp đỡ đủ tiền chữa bệnh, chị còn vui như thể đấy là chính mình. Một hoàn cảnh được giúp đỡ là một lần chị được tiếp thêm động lực.

“Tôi nghĩ mình chuyển xuống Phòng Công tác xã hội, công việc rất phù hợp. Đây cũng là một công việc chăm sóc, giúp đỡ cho bệnh nhân mà tôi yêu thích. Tôi hiểu rõ những cô bác ở vùng quê tới bệnh viện khám, chữa bệnh bỡ ngỡ như thế nào nên cố gắng làm đủ mọi cách để sao cho họ cảm thấy yên tâm nhất. Một ngày tiếp xúc với không biết bao nhiêu bệnh nhân, tôi nói nhiều đến mức viêm dây thanh”, chị Gấm nói.

{keywords}
 

Trong khoảng thời gian làm việc tại bệnh viện, chị Gấm cũng có những kỷ niệm khó quên. Có lần, chị nhặt được một chiếc điện thoại Iphone đắt tiền. Khi người mất gọi điện đến, chị bật máy nghe với mong muốn trả lại cho họ. Chưa kịp nói gì, chị tá hỏa khi đầu dây bên kia mắng xối xả. 

“Tôi rất hiểu họ nên cố gắng bình tĩnh để giải thích, mặc dù trong lòng cũng buồn. Ở nơi đông người thế này họ nghĩ chỉ có kẻ trộm móc túi chứ không phải họ bỏ quên. Khi họ đến nhận, tôi giải thích nếu, tôi trộm đã không nghe máy, họ hiểu ra xin lỗi và cảm ơn rối rít”, chị nhớ lại. 

Vui có, buồn có nhưng chưa bao giờ chị Gấm nghĩ mình sẽ từ bỏ công việc này. Với những đóng góp không ngừng nghỉ trong quá trình công tác, mới đây, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định khen thưởng chị Lê Thị Ngọc Gấm đã làm được việc tốt. 

Đức Toàn

Hành động bất ngờ của chủ xe ô tô sang trong quán cơm 0 đồng

Hành động bất ngờ của chủ xe ô tô sang trong quán cơm 0 đồng

Dù bán với giá 0 đồng nhưng quán cơm chưa lúc nào lo hết tiền mua thực phẩm. Khách hàng đến dù đi xe sang trọng hay quần áo cũ kỹ đều được đón tiếp nhiệt tình.