UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Công văn về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Ninh Thuận (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng.

Đồng thời tập trung triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người, Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7 cũng như đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 1/7/2023 đến hết 30/9/2023.

Trong đó, đặc biệt chú trọng việc xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giúp trẻ em có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị lạm dụng, trở thành nạn nhân bị mua bán.

dfcd2a8585e5d5cdpcmbn28072023.png
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận- Nguyễn Long Biên phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2023

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đề nghị. lực lượng Công an tỉnh phát huy vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh trong tham mưu, điều phối triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người.

Công an tỉnh cần chỉ đạo lực lượng chức năng quyết liệt triển khai các mặt công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; thực hiện tốt công tác nắm tình hình, phòng ngừa nghiệp vụ, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và không gian mạng; tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người; xác lập, điều tra, triệt phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người; triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tỉnh để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài ở khu vực tuyến biển; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biển, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân được giải cứu; tích cực rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân bị mua bán trong số công dân được lực lượng chức năng trao trả hoặc tự trở về.

Riêng Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Chỉ đạo các phòng ban, UBND cấp xã và các đơn vị trực thuộc liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người trên địa bàn cũng như chú trọng vào các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh. 

Tổ chức tuyên truyền trực quan tại cơ quan, các tuyến phố, cộng đồng dân cư hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người, Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7.

Trong thời gian sắp tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao (SIM điện thoại) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đẩy mạnh tăng cường kiểm soát, xác thực các tài khoản trên mạng xã hội nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng đối tượng có thể lập tài khoản ảo, giả mạo thông tin người khác để thực hiện hành vi lừa gạt nạn nhân, mua bán người.

Cùng với đó, tỉnh cũng chủ động đánh giá tình hình tội phạm mua bán người tại địa bàn và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống. Huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng chống mua bán người, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Văn Điệp và nhóm PV, BTV