Dự án hơn 44 nghìn tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch

Tình hình thực hiện, giải ngân dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập trong báo cáo đầu tư công 9 tháng.

Tăng tốc giải ngân các dự án giao thông trọng điểm

Các dự án được đề cập trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1; Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, giai đoạn 1; Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, giai đoạn 1; Dự án Vành đai 4 Thành phố Hà Nội; Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đường Hồ Chí Minh; Dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành.

Đến hết ngày 31/8/2023, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 48.297,55 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 55,3% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (87.317 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 41.857,66 tỷ đồng, đạt 53,9% và vốn ngân sách địa phương là 6.997,98 tỷ đồng, đạt 72,9%.

"Như vậy, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân chung 8 tháng của cả nước", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công “3 ca 4 kíp”, khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành 4 dự án đường bộ cao tốc vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, với dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Mỹ Thuận - Cần Thơ thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa ảnh hưởng đến lớn đến việc thi công lớp mặt bê tông nhựa, một số đoạn nền đất yếu cần rà soát, theo dõi, đánh giá trước khi thi công các lớp móng, mặt đường. Do đó để hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của tất cả các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các nhà thầu xây dựng.

Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện Dự án là 78.461 tỷ đồng. Đến nay, đã bố trí cho Dự án trong kế hoạch hàng năm là 65.711,5 tỷ đồng, trong đó kế hoạch năm 2023 là 17.175,3 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân đến 31/8/2023 là 8.789,14 tỷ đồng, đạt 50,3% kế hoạch năm 2023 được giao.

Phấn đấu đưa nhiều dự án về đích

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021–2025, tổng Kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 đã giao cho dự án là 119.644 tỷ đồng. Trong đó: Từ nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 47.168 tỷ đồng, từ Chương trình phục hồi kinh tế xã hội là 72.476 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần vào ngày 13/7/2022, trong đó giao cho các Ban Quản lý dự án thuộc bộ làm chủ đầu tư và bàn giao toàn bộ các mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương vào ngày 30/6/2022 để triển khai thực hiện.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đối với công tác xây lắp, toàn bộ 12 dự thành phần thuộc Dự án được chia thành 25 gói thầu để thực hiện chỉ định thầu theo quy định. Ngày 1/1/2023 đã đồng loạt khởi công mới 14 gói thầu xây lắp của 12 dự án thành phần; 11 gói thầu còn lại đã khởi công từ ngày 15/01/2023  đến 19/2/2023.

Về công tác giải phóng mặt bằng, báo cáo cho hay đã bàn giao được 89% (tăng 2% so với tháng trước), tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công là 80% (tăng 3% so với tháng trước); công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế đang tiếp tục triển khai nhưng còn chậm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân đến 31/8/2023 là 26.543,04 tỷ đồng, đạt 58,7% kế hoạch năm 2023 được giao.

Đối với 3 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương được phân cấp là cơ quan chủ quản đã phê duyệt đầu tư 10/10 dự án thành phần của 03 dự án trên; đồng thời đã khởi công 10/10 dự án thành phần.

Nguồn vốn thực hiện các dự án từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ giao đủ kế hoạch vốn từ 2 nguồn vốn này.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân đến 31/8/2023 của dự án Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 là 2.067,89 tỷ đồng, đạt 39,9% kế hoạch năm 2023 được giao. Còn giải ngân đến 31/8/2023 của dự án Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 là 881,09 tỷ đồng, đạt 26,1% kế hoạch năm 2023 được giao. Giải ngân đến 31/8/2023 của dự án Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 là 4.347,26 tỷ đồng, đạt 68,7% kế hoạch năm 2023 được giao.

Bộ Giao thông vận tải cho hay: Với các dự án giao thông được triển khai lớn trong năm nay, Bộ Giao thông vận tải đã liên tục theo dõi, đôn đốc và có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đồng thời triển khai giải ngân vốn đầu tư công đã được phân bổ nhằm hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Với các Dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, trước tiên là các dự án thành phần đã thông xe đưa vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án quyết liệt chỉ đạo nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát tập trung thi công dứt điểm các hạng mục còn lại trong tháng 9; hoàn thành các hạng mục bổ sung theo kiến nghị của địa phương trước ngày 31/12/2023.

Bạch Hân và nhóm PV, BTV