Đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2019, từ thời điểm đầu năm 2020 bắt đầu tác động ảnh hưởng đến nước ta. Trong bối cảnh tổng cầu trong và ngoài nước suy giảm, chưa hồi phục sau đại dịch COVID-19…, trả lời phỏng vấn TTXVN, TS Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, việc giải ngân nhanh, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công sẽ trở thành động lực quan trọng; đồng thời, đóng vai trò “gánh vác và bù đắp” tăng trưởng kinh tế cho các động lực khác trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Theo đó, năm 2022, kinh tế Việt Nam đạt kỳ tích với kết quả tăng trưởng 8,02%, cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng của kinh tế thế giới. Bước sang năm 2023, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì tổng cầu thế giới suy giảm do chính sách thắt chặt tiền tệ, đưa lạm phát dần về mức lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm nay giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, với kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành chủ lực suy giảm sâu: dệt may giảm 15%; giày dép giảm 17,6%; điện thoại và linh kiện giảm 15,4% đã tác động rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế hướng tới xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh tổng cầu thế giới suy giảm, tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước suy yếu; động lực cải cách thể chế cho tăng trưởng cần có thời gian. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong 8 tháng năm 2023, cả nước có 149,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 124,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường chiếm 83,5% số doanh nghiệp mới gia nhập và quay trở lại thị trường.
Đối với kinh tế Việt Nam, giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công có tác động trực tiếp và lan toả tới tăng trưởng kinh tế. Cứ giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước; đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm.
Theo tính toán của ông Nguyễn Bích Lâm, nếu năm 2023 giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 1,3%. Trong bối cảnh đó, với sự chủ động và khẩn trương thúc đẩy giải ngân của Chính phủ, vốn đầu tư công thực hiện trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy, đồng thời đóng vai trò “gánh vác và bù đắp” tăng trưởng kinh tế cho các động lực khác trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trong nâng cao năng lực và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, theo TS Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ và các địa phương cần đổi mới, cải tiến công tác lập kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án đầu tư công trở thành công trình hiệu quả.
Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; đồng thời, tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xoá bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án đầu tư để khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công. Cùng với đó, Chính phủ cần cải thiện cơ chế quản lý đầu tư, tăng cường quản lý tài sản công, nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách.
Để khẩn trương giải ngân nhanh vốn đầu tư công, Chính phủ cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, Chính phủ cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng, theo đó, nên bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án; đồng thời, các cơ chế và mức bồi thường giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ cần có cơ chế điều chỉnh kịp thời định mức thầu, giá thầu và giá các loại vật tư, vật liệu xây lắp khi có biến động giá trên thị trường; đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật liệu xây lắp, đắp nền.