Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2020 vừa diễn ra ngày 14/12 tại Cần Thơ. Đây là báo cáo kinh tế đầu tiên được xây dựng cho một vùng kinh tế, mang tính toàn diện, tổng thể, sâu sắc cho vùng ĐBSCL.

Báo cáo Kinh tế Thường niên vùng ĐBSCL gồm 5 chương, trong đó tập trung vào các vấn đề then chốt như: Tổng quan nền kinh tế Việt Nam; Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế ĐBSCL; Năng lực cạnh tranh của ĐBSCL dựa trên phân tích tiềm năng điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của địa phương, của các cụm ngành thế mạnh và tiềm năng của vùng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và logistics.

{keywords}
Nỗ lực liên kết vùng, giải tỏa những điểm nghẽn... kiến tạo ĐBSCL thịnh vượng

Báo cáo năm nay đã nêu lên những quan điểm mới, nhận định, đánh giá toàn diện về kinh tế vùng, những thuận lợi, khó khăn và thách thức đặt ra trước tác động của biến đổi khí hậu và điểm nghẽn về giao thông, thu hút đầu tư.

TS. Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, thông qua báo cáo cần xây dựng mô hình phát triển, phải là điển hình kiểu mẫu, chương trình tổng thể để phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Vì vậy, cần sự liên kết vùng một cách tổng thể, liên kết tam giác phát triển vùng để giải tỏa, khơi thông điểm nghẽn và khơi dậy tiềm năng vùng ĐBSCL.

“Chúng ta đang là vùng trũng của sự phát triển doanh nghiệp, chỉ hơn được miền núi và trung du phía Bắc, số lượng tỷ trọng doanh nghiệp cũng thấp, đóng góp GDP cũng thấp, chất lượng nguồn nhân lực, lao động lành nghề cũng thấp. Nếu có cách để khai thông điểm nghẽn, có cách để khơi dậy những tiềm năng thì hoàn toàn có thể vượt lên trong thời gian tới. Trong đó, cần có thiết chế hợp tác liên kết vùng với hi vọng giải tỏa những điểm nghẽn và khơi dậy tiềm năng”, TS. Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.

Thực tế quá trình phát triển trong hơn 2 thập niên gần đây, ĐBSCL đang nổi cộm về điểm nghẽn về giao thông kết nối; thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.

Bên cạnh đó, trước những thách thức của của biến đổi khí hậu hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường đến các vấn đề tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của DN chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội mà ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt.

Tình trạng ly hương

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, nguyên giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ Tư Vấn của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ vấn đề kinh tế đang giảm so với các vùng trong cả nước, ĐBSCL đang chứng kiến tình trạng di cư của người dân về TP HCM và miền Đông Nam Bộ.

Trong thập niên vừa qua, hơn 1,1 triệu người đã di cư khỏi ĐBSCL, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng. "Báo cáo khiến nhiều người phải giật mình khi nơi đây được xem là trù phú, thiên nhiên ưu đãi.  Ngoài ra, vùng ĐBSCL là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0% trong giai đoạn 2009 – 2019 và tỷ lệ nhập cư không đáng kể", ông Tự Anh cảnh báo.

Là một trong những địa phương nỗ lực rất lớn trong đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra công ăn việc làm, giữ chân người lao động ở lại phục vụ phát triển kinh tế địa phương, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong xu hướng toàn cầu thì việc di dân không thể tránh khỏi, nhưng để đảm bảo người dân ở lại và phục vụ phát triển thì cần có chính sách dài hạn. Đối với Đồng Tháp ngoài đề án tái cơ cấu nông nghiệp địa phương đã phát triển các khu, đô thị và đã tạo ra việc làm cho người lao động.

“Đồng Tháp đã tiến hành nhiều giải pháp phát triển trường nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, phát triển khởi nghiệp và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Trong thời gian qua, chính sách này đã tạo ra công ăn việc làm khá ổn định với người lao động có sự chuyển nghề trong nông nghiệp đối với Đồng Tháp”, ông Nghĩa cho biết.

Điểm sáng về chuyển đổi cơ cấu kinh tế và giảm nghèo

Trong thập niên 2010 – 2019 chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của vùng, tỷ trọng khu vực I đã giảm từ 39,6% trong năm 2010 xuống chỉ còn 28,3% trong năm 2019, nhanh hơn hẳn tốc độ dịch chuyển cơ cấu trong hai thập niên trước đó. Ngoài ra, điểm nổi bật của ĐBSCL là kết quả giảm nghèo luôn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước;  tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đã giảm từ mức 36,9% vào năm 1998 xuống còn 12,6% vào năm 2010 và 5,2% vào năm 2016 và tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016-2019, điều này chứng tỏ lợi ích của tăng trưởng được chia sẻ và người nghèo đã được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng.

Báo cáo đã đúc kết thành tựu và nêu bật những hạn chế trong quá trình phát triển, đồng thời phác họa những cơ hội và thách thức đang và sẽ diễn ra đối với ĐBSCL, những thách thức như dịch bệnh, hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng làm môi trường kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách để tiếp cận trong thời gian tới.

Duy Linh, Hồng Khanh, Thái Anh