Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng chính sách, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với cơ quan báo chí, tổ chức hội thảo, hội nghị để tuyên truyền, phổ biến nội dung dự thảo chính sách.
Điển hình như Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về 5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật như Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ... Sở Tư pháp cũng chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 141/KH-STP ngày 15/8/2023 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh các hình thức truyền thống, tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh công tác truyền thông dự thảo chính sách thông qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hơn 100 văn bản dự thảo đã được cập nhật để lấy ý kiến nhân dân.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song theo đánh giá của Sở Tư pháp Hà Nam, việc phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc, có nơi chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Số lượng người dân tham gia đóng góp ý kiến còn ít. Một số sở, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác truyền thông dự thảo chính sách.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về tầm quan trọng của việc tham gia góp ý xây dựng chính sách. Đa dạng hóa hình thức truyền thông, kết hợp giữa phương thức truyền thống và hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Các cơ quan ban ngành tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến dự thảo chính sách.