Đặc biệt, Bộ luôn chú trọng truyền thông chính sách về lao động, người có công và xã hội, hướng tới sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận trong quá trình xây dựng chính sách.

Trong hơn 10 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã không ngừng nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về lao động, người có công và xã hội. Hầu hết các lĩnh vực quản lý của Bộ đều có luật điều chỉnh, với 1 bộ luật, 9 luật, 2 pháp lệnh. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội gồm hơn 400 văn bản.

người lao động.jpeg
Truyền thông dự thảo chính sách sâu rộng hướng tới sự đồng thuận của người lao động.

Đặc biệt, Bộ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng trong giai đoạn đại dịch Covid-19, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, bà Phạm Thị Thanh Việt cho biết, Bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông các chính sách lớn tại một số dự án quan trọng như Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Luật Bảo hiểm xã hội...

Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường truyền thông tới toàn xã hội về các định hướng chính sách bảo hiểm thất nghiệp dự kiến sửa đổi thông qua hoạt động xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

Bộ LĐ-TB&XH đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Điển hình là Chuyên mục Hỏi - Đáp về Bộ luật Lao động trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Ngày 5/11 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Bộ LĐ-TB&XH và những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024". Hoạt động này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, pháp luật.