Tại Việt Nam, trẻ em sử dụng Internet sớm trong khi chưa được giáo dục, trang bị nhận thức cơ bản về các mối nguy hại từ môi trường mạng là một nguyên nhân cơ bản đưa trẻ em trở thành mục tiêu, nạn nhân của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Xâm hại trẻ em qua mạng không khác gì việc xâm hại trong đời thực. Những hình ảnh, video hay thông điệp tiêu cực có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, tạo ra sự tổn thương dai dẳng cho trẻ. 

Đáng chú ý là tình trạng trẻ em bị cô lập trên không gian mạng, dẫn đến những sự việc đau lòng đáng tiếc trong thời gian gần đây. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, một lĩnh vực cần được chú trọng đặc biệt trong công tác bảo vệ trẻ em hiện nay.

Ảnh chụp Màn hình 2024 11 20 lúc 15.07.07.png
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là trách nhiệm của toàn xã hội. 

Thời gian qua, công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg (01/6/2021) phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025".

Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng được quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin…

Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN; trong đó, có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021).

Gần đây, sự phối hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tán phát thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube… tạo môi trường lành mạnh cho trẻ.

Cùng với đó, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, nội dung trên môi trường mạng thực thi quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em. Tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em. Xây dựng các phần mềm nhằm ngăn chặn các nội dung độc hại ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em…

Đặc biệt, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1183/QĐ-TTg (14/10/2024) về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo đó, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và xã hội; hướng dẫn các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, thường xuyên tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị 28-CT/TW năm 2023.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhà trường, gia đình và xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cho gia đình, trường, lớp học, cộng đồng dân cư.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cho hay, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của riêng phụ huynh mà là của toàn xã hội. Với sự hỗ trợ và quan tâm từ gia đình, nhà trường và cộng đồng, trẻ em sẽ phát triển khỏe mạnh và an toàn trong môi trường số. Việc giám sát, giáo dục trẻ em về việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và lành mạnh là bước quan trọng để nỗ lực tạo ra một không gian mạng lành mạnh nhằm bảo vệ cho thế hệ tương lai.