Thời gian gần đây, Ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam đã nỗ lực thay đổi công tác dự báo, phát triển theo hướng hiện đại hóa, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại. Qua đó giúp nâng cao được khả năng chất lượng dự báo, qua đó nâng cao năng lực cảnh báo các hệ quả liên quan gồm ngập lụt, lũ, lũ quét và sạt lở đất.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trong năm 2023 nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai.
Thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỉ đồng, giảm hơn một nửa so với năm trước.
Ông Hải đánh giá, nỗ lực trong công tác dự báo, cảnh báo để người dân và các địa phương chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra trong năm 2023.
Theo đánh giá, hiện nay, năng lực và công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn của ngành Khí tượng thủy văn nước ta đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai (áp thấp nhiệt đới, bão, lũ,...) đã được tăng lên; các công nghệ dự báo khí tượng thủy văn dần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến ở châu Á, đặc biệt là trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, rét đậm, rét hại, lũ lụt và nắng nóng. Độ chính xác về dự báo vị trí và cường độ bão hiện nay đã dần tiệm cận với trình độ dự báo của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới...
Năm 2023, ngành Khí tượng thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo khí tượng thủy văn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình trên phạm vi cả nước, dự báo chi tiết đến các huyện, thị; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Bản tin dự báo khí tượng thủy văn đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn, đã đưa cấp độ rủi ro thiên tai vào bản tin. Điều đó nâng cao hiệu quả phục vụ và từng bước tiến tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro. Riêng đối với công tác dự báo, cảnh báo thì sự thay đổi đáng kể nhất là dự báo sớm hơn, dài hạn hơn, chi tiết hơn và tin cậy hơn.
Theo các chuyên gia, cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn ngày càng sát với thực tế, hiệu quả. Các thông tin về dự báo không chỉ đơn thuần thông báo các chỉ số thời tiết, mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động - đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng của hình thái thời tiết cụ thể trong thời gian cụ thể. Điều này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.
Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Thanh Mai, năm 2024, Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo thực hiện dự báo thời tiết, thủy văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai...
Cùng với đó, theo dõi, hướng dẫn các đài, trạm khí tượng thủy văn quốc gia cũng như các trạm chuyên dùng về công tác quan trắc, cung cấp số liệu khí tượng thủy văn, kịp thời phục vụ tốt công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn; đồng thời tăng cường kiểm tra đột xuất để nắm bắt tình hình hoạt động của các trạm khí tượng thủy văn quốc gia cũng như các trạm chuyên dùng để kịp thời chỉ đạo.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngành, ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết năm 2024, Bộ đặt mục tiêu 100% thiên tai bão, lũ, được giám sát, dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy.